Nâng hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án

15:47' - 21/10/2021
BNEWS Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, về án kinh tế, tài sản bị thiệt hại đa số là các vụ phạm tội “Trốn thuế”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Ngày 21/10, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ trên địa bàn thành phố.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, khó khăn, vướng mắc của công tác này, qua đó tìm ra các giải pháp, kiến nghị kịp thời để nâng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ở cấp quận/huyện, về án kinh tế, tài sản bị thiệt hại đa số là các vụ phạm tội “Trốn thuế”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Về án tham nhũng, tài sản bị thiệt hại tập trung vào tội “Tham ô tài sản”. Tội phạm chức vụ chiếm tỷ lệ thấp.

Ở cấp thành phố, tài sản thiệt hại từ các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, về nhóm án kinh tế, số vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chiếm tỷ lệ lớn cả về số vụ lẫn tổng giá trị tài sản bị thiệt hại.

Các vụ “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” chiếm tỷ lệ thấp về số vụ nhưng gây thất thoát, thiệt hại rất lớn, có tỷ lệ cao trong tổng giá trị tài sản bị thiệt hại.

Trong nhóm án tham nhũng, tội “Tham ô tài sản” chiếm số lượng lớn; tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại có tỷ lệ cao trong tổng giá trị tài sản bị thiệt hại. Riêng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, số vụ chiếm tỷ lệ không cao nhưng tài sản bị thiệt hại lớn.

Về công tác thu hồi tài sản, tổng số tiền thu hồi trong tất cả các giai đoạn trước khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân khách quan là pháp luật về quản lý, công khai, minh bạch tài sản cá nhân, tổ chức còn chưa toàn diện; các quy định pháp luật về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát còn nhiều bất cập, chưa cụ thể.

Điển hình như việc thu thập thông tin, xác minh ban đầu đối với các vụ việc liên quan đến giao dịch ngân hàng còn gặp khó khăn do ngân hàng “chỉ cung cấp tài liệu cho Cơ quan điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án”; việc phong tỏa tài khoản, trích sao kê không kịp thời nên đối tượng có thể tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản ngay trong giai đoạn tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định áp dụng phong tỏa, kê biên đối với bị can, bị cáo. Trong giai đoạn tin báo không được áp dụng biện pháp này.

Đáng chú ý, tài sản thế chấp, bảo lãnh trong các vụ án kinh tế thường được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế nên một số tài sản đưa ra phát mãi phải giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua.

Quá trình kiểm sát hoạt động của các cơ quan bán đấu giá, Viện Kiểm sát phát hiện ra các vi phạm nhưng Bộ Tư pháp cho rằng Viện Kiểm sát không có chức năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá nên trong quá trình kiểm sát còn gặp khó khăn.

Bên cạnh một số giải pháp về nghiệp vụ, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cũng kiến nghị một số nội dung như: Cần xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan hữu quan có liên quan như Thanh tra, Kiểm toán... ngay từ khi thanh tra, kiểm toán và quá trình thụ lý tin báo, điều tra, truy tố, xét xử nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện vi phạm.

Đồng thời, Trung ương cần có hướng dẫn để Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan về công tác phối hợp trong giai đoạn đưa tài sản đi đấu giá, tiếp nhận tài sản sung công, kiểm tra các trường hợp cần xác minh tài sản để thu hồi nhanh chóng.

Ngoài ra đề nghị các ngành tố tụng Trung ương đưa tiêu chí đảm bảo tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án đạt trên 60% vào hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá công tác của từng ngành để các ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm.

Thạc sĩ Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ trên địa bàn thành phố có ý nghĩa rất lớn, là mục tiêu quan trọng và là “thước đo” hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng và chức vụ trong tình hình hiện nay.

Đây cũng là đề tài khoa học cấp thành phố đang được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp của cơ quan liên quan như Công an, Tòa án nhân dân, Thanh tra thành phố, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Sở Tài chính…, để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề tài.

Từ đó xây dựng cơ chế, quy định cụ thể trên địa bàn thành phố để có cái nhìn đúng đắn hơn, các biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn nhằm tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án./.

>>Khởi tố 3 đối tượng lừa đảo liên quan đến các dự án bất động sản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục