Tạo điều kiện phát triển dịch vụ công

14:35' - 14/06/2016
BNEWS Sáng 14/6, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo Đổi mới thể chế trong cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam.
Hội thảo Đối thoại chính sách: Đổi mới thể chế trong cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm cho biết, dịch vụ công là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và xã hội, tập trung vào nhu cầu khoa học, hành chính, pháp luật và nhất là về y tế và giáo dục…

Những dịch vụ này rất quan trọng và trước đây thường do Nhà nước bao cấp, tổ chức thực hiện. Nhưng do nguồn lực có hạn, trong khi nhu cầu thực tế lại gia tăng mạnh mẽ và đa dạng hơn nên rất cần có những mô hình mới, đủ sức đáp ứng, cung cấp các dịch vụ cụ thể đến người dân.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã có sự thay đổi từng bước về quan điểm, quy định về đối tượng cung cấp dịch vụ công theo hướng cởi mở, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đến nay, đã xuất hiện hình thức hợp tác công-tư hoặc tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ; tập trung nhiều nhất vào việc xây dựng, kinh doanh cơ sở đào tạo, khám chữa bệnh…ở các quy mô khác nhau.

Đây là diễn biến tất yếu, cho phép huy động các nguồn lực khác cũng như giảm thiểu gánh nặng đối với ngân sách Nhà nước. Xa hơn, cần tiến tới cơ chế đặt hàng, đấu thầu trong cung ứng dịch vụ.

Tuy nhiên, theo bà Thu, nhà nước cần nghiên cứu, ban hành cơ chế quản lý hoạt động đối với việc cung ứng dịch vụ một cách phù hợp để dịch vụ công phát triển trên tinh thần khuyến khích, thuận lợi hóa đối với các đối tượng tham gia.

Bên cạnh đó, cần xác lập chế tài, quy định quản lý chặt chẽ để phòng tránh những tồn tại như thời gian vừa qua; đặc biệt là cần thiết thanh, kiểm tra chất lượng, hiệu quả cũng như giá cả của dịch vụ công. Hết sức tránh thiệt hại cho người thụ hưởng dịch vụ.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, cần xác định Nhà nước vẫn là bên cung ứng dịch vụ lớn nhất cho xã hội, đồng thời cũng là bên quản lý. Riêng dịch vụ y tế cần đặt trọng tâm vào mục đích phục vụ con người, tôn cao yếu tố nhân văn, không nên vì mục đích lợi nhuận thuần túy.

Cũng theo ông Quang, hoạt động y tế cần bao phủ toàn bộ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, gồm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và giảm chi phí của người bệnh.

Đặc biệt, cần quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi, nhu cầu khám chữa bệnh của các đối tượng yếu thế như người nghèo, dân vùng xa, đối tượng chính sách.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục