Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Hải Dương

16:08' - 30/05/2022
BNEWS Lãnh đạo tỉnh khẳng định chính quyền tỉnh Hải Dương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và cam kết dành điều kiện thuận lợi nhất, những cơ hội đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Hải Dương là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản với chủ đề “Hải Dương - điểm đến đầu tư FDI” do tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 30/5.

 

Hội nghị có sự tham dự của ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam và ông Tô Huy Rứa, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức quốc tế của Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Hải Dương có nhiều tiềm năng, thế mạnh và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhất là thu hút đầu tư FDI.  Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Dương bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,1%, cao hơn bình quân cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh Hải Dương đứng thứ 11 trong tổng số 63 tỉnh thành.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, nhất là thời điểm đầu năm nhưng tỉnh đã vượt khó, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,6%, đứng thứ 8 trong cả nước.

Môi trường đầu tư tỉnh Hải Dương đang không ngừng được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI có bước tăng đột phá từ 47 lên 13, chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX tăng 11 bậc từ 30 lên 19; Chỉ số hài lòng của người dân đứng thứ 4/63 tỉnh thành.

Năm 2022, với chủ trương “Thích ứng linh hoạt và tăng trưởng bứt phá”, kinh tế Hải Dương đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 11,6%.

Theo ông Phạm Xuân Thăng, tỉnh Hải Dương xác định rõ chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2050 là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và phấn đấu tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Trong quá trình đó, Hải Dương xác định FDI là đòn bẩy để tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đạt được mục tiêu đề ra.

Hết năm 2021, Hải Dương có 11 khu công nghiệp, 33 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 84%. Tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng 5 khu công nghiệp và mở rộng 1 khu công nghiệp với hơn 1.200 ha để sẵn sàng đón các nhà đầu tư FDI ngay trong năm 2022.

Hải Dương cũng đang tiếp tục quy hoạch phát triển 25 khu công nghiệp, 52 cụm công nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, tỉnh đang quy hoạch vùng công nghiệp động lực trên 10.000 ha kết nối thuận lợi với thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng và đề nghị Chính phủ cho phép thành lập khu kinh tế chuyên biệt.

Người đứng đầu tỉnh Hải Dương bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư tại tỉnh; trong đó, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại đồng bộ, dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị thông minh.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định chính quyền tỉnh Hải Dương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và cam kết dành điều kiện thuận lợi nhất, những cơ hội đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại hội nghị, ý kiến từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng các đại biểu doanh nghiệp Nhật Bản đều đánh giá cao về những tiềm năng trong thu hút đầu tư và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Hải Dương thời gian qua.

Ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về sự giúp đỡ, đồng hành của tỉnh Hải Dương. Trong đại dịch COVID-19, Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng khắc phục những khó khăn do dịch, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.

Cho rằng trong bối cảnh mối quan hệ mật thiết giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được tăng cường, hội nghị là sự kiện có nhiều ý nghĩa, giúp doanh nghiệp Nhật Bản hiểu thêm về tiềm năng phát triển của tỉnh Hải Dương.

Ngài đại sứ mong muốn tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng; đầu tư về hạ tầng y tế, giáo dục cho người lao động. Cùng đó, Hải Dương cần đảm bảo cung ứng điện năng cho việc sản xuất, kinh doanh cho sản xuất công nghiệp; tổ chức giới thiệu, cập nhật về các quy định của pháp luật Việt Nam và lắng nghe, đối thoại, tháo gỡ kịp thời các khó khăn của các doanh nghiệp.

Theo ông Kurihara KiYokazu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, lý do doanh nghiệp này chọn Hải Dương là điểm đến vì Hải Dương có nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, gần Hà Nội và cảng biển Hải Phòng.

Những năm qua, mô sản xuất của doanh nghiệp liên tục được mở rộng và hiện đã xây dựng 4 nhà máy, tổng diện tích là 23.000m2 với trên 10.000 lao động.

Theo đại diện doanh nghiệp, qua quá trình đầu tư tại Hải Dương, doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền Hải Dương. Tỉnh có chính sách ưu đãi có ngành công nghiệp hỗ trợ, thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp mong muốn Hải Dương cần tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhà ở và các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục đảm bảo nhu cầu cho người lao động các khu công nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã lắng nghe những chia sẻ, trao đổi từ các doanh nghiệp Nhật Bản, giải đáp những băn khoăn của các doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh, đồng thời, giúp doanh nghiệp ở Nhật Bản hiểu rõ hơn về tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Hải Dương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cho biết, tỉnh Hải Dương sẵn sàng những điều kiện tốt nhất để đón các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và dòng vốn FDI nói chung. Cụ thể, tỉnh đã trao đổi với Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) để đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Về hạ tầng giao thông, tỉnh đang quan tâm đầu tư các tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh kết nối với Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Hải Dương cũng đã yêu cầu các khu công nghiệp chuẩn bị nguồn nhà ở cho công nhân.

Các khu công nghiệp mới phải có khu nhà ở và thiết chế văn hóa cho công nhân. Với những khu hiện hữu, nơi nào thiếu thì sẽ đầu tư các khu dân cư, đô thị, thiết chế văn hóa ven khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu cho người lao động.

Cùng đó, Hải Dương tập trung cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; triển khai các dự án nhà ở cao cấp để phục vụ cho các chuyên gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Hải Dương đã thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh với mục tiêu sẽ tiếp nhận, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn, bất cập của các doanh nghiệp.

Trước băn khoăn của các doanh nghiệp nêu tại hội nghị về việc cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cam kết không để thiếu điện năng cho sản xuất công nghiệp, cho các doanh nghiệp FDI. Theo đó, tỉnh giao cho Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương xây dựng kế hoạch cung cấp điện năng cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI và coi đây là ưu tiên hàng đầu.

Sau 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay, Hải Dương đã có 490 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn trên 9,2 tỷ USD, đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án đã giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động, đóng góp trên 34% vào tổng sản phẩm trong tỉnh và 33% ngân sách.

Tại Hải Dương hiện có 60 dự án đến từ Nhật Bản đang đầu tư, với tổng vốn gần 1,5 tỷ USD, đứng thứ hai về số lượng dự án và số vốn đầu tư FDI tại tỉnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh đạt 915 triệu USD, chiếm 9,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đóng góp 12,4% vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục