Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp.Hồ Chí Minh tăng tốc - Bài 4: Bồi đắp các nguồn lực phát triển mới

16:11' - 20/06/2023
BNEWS Để “tháo gỡ” các điểm nghẽn cho Tp. Hồ Chí Minh phát triển, lãnh đạo địa phương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách cho thành phố.

Để “tháo gỡ” các điểm nghẽn cho Tp. Hồ Chí Minh phát triển, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, lãnh đạo địa phương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời gian tới, đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị.

 

Cụ thể hóa các chủ trương lớn

Với tầm quan trọng của Tp. Hồ Chí Minh, thời gian qua, Bộ Chính trị đã có các Nghị quyết quan trọng liên quan. Theo đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã xác định Tp. Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Mục tiêu đến năm 2030 là đưa Tp. Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là: “Tp. Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh, hai Nghị quyết này đặt ra cho Tp. Hồ Chí Minh vị trí, vai trò rất quan trọng, cùng những định hướng, nhiệm vụ phát triển rất lớn; trong đó, có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và cũng rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để cụ thể hóa các việc này, tạo không gian kinh tế lớn của thành phố.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, ông Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, trên cơ sở các Nghị quyết số của Bộ Chính trị, cơ quan chức năng liên quan cần hoàn thiện các văn bản Luật và quy phạm pháp luật, cụ thể hóa chủ trương, đường lối để các ban, bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi cho Tp. Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp thực tiễn, đúng quy định.

Để cụ thể hóa các Nghị quyết trên, hiện Quốc hội đã và đang thảo luận, chuẩn bị thông Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm các cơ chế đặc thù cho phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Dự thảo Nghị quyết quy định 44 cơ chế, chính sách khá toàn diện trên 7 lĩnh vực khác nhau gồm quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Tp. Hồ Chí Minh; tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, những chính sách của Nghị quyết mới, bên cạnh kế thừa nội dụng chính sách, cơ chế của Nghị quyết 54 còn có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù cho nhiều địa phương khác như HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị...

Cùng đó, Nghị quyết có các cơ chế, chính sách mới, cần thiết tạo điều kiện Thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; mô hình xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT); cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC); cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức...

“Hạt nhân” của phát triển vùng

Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, cần phát huy vai trò dẫn dắt, cùng các địa phương nâng cao vị thế của vùng kinh tế Đông Nam bộ, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế đối với lĩnh vực có thế mạnh trên tinh thần hỗ trợ chia sẻ cơ hội và lợi ích; nâng tầm quốc tế vị trí Tp. Hồ Chí Minh, trong đó xây dựng Thành phố trở thành trung tâm tài chính, thương mại du lịch quốc tế, điểm đến hấp dẫn toàn cầu, thu hút nhân tài.

Để Tp. Hồ Chí Minh thực sự là “hạt nhân” phát triển vùng Đông Nam bộ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, thành phố cần cấp thiết kiến nghị Trung ương xem xét cho phép nghiên cứu sửa đổi, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn thu và nhiệm vụ chi ở cấp vùng (giữa các địa phương đóng góp cho vùng). Điều này một mặt đảm bảo nguồn lực hỗ trợ hoạt động của bộ máy điều phối vùng, một mặt giải quyết bài toán xung đột lợi ích, tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung (hệ thống sân bay, cảng biển, viễn thông, trung tâm nghiên cứu, đào tạo...), tăng cường tích tụ nguồn hàng hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh để hình thành cực tăng trưởng đủ mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương trong vùng.

Ở góc nhìn này, ông Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam cho rằng, hiện các yếu tố thu hút đầu tư truyền thống không còn là thế mạnh của riêng Tp. Hồ Chí Minh như quỹ đất công nghiệp còn lại hạn chế, chi phí đầu vào tăng, khó khăn trong tuyển lao động, hạ tầng còn nhiều bất cập. Vì vậy, thành phố đã xác định chiến lược tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh khác phù hợp với điều kiện sẵn có và sự năng động, thích ứng với thời cuộc đó là trở thành nơi xác lập phần quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng như là: trụ sở chính, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm logistic, trung tâm đào tạo, kết nối, hỗ trợ... đặc biệt là trung tâm tài chính để từ thành phố có thể kết nối, điều hành và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh tới các tỉnh thành khác.

Theo ông Andreas Stoffers, bản thân Tp. Hồ Chí Minh là nơi thích hợp để xây dựng một trung tâm tài chính và từ đó càng thúc đẩy sự phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai. Xây dựng trung tâm tài chính sẽ tạo ra sự phát triển về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường sống. Trung tâm tài chính quốc tế phải trở thành trụ cột chính, tập trung phát triển các công ty công nghệ tài chính trong các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư. Từ đó sẽ tạo yếu tố thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tận dụng cơ hội để dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Sự dịch chuyển dòng vốn – huyết mạch của nền kinh tế, sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư, đồng thời dẫn đến sự phát triển của một hệ sinh thái doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, phát triển Tp. Hồ Chí Minh cần đặt trong sự phát triển vùng Đông Nam bộ và mối quan hệ đối với các vùng miền trong khu vực. Để thúc đẩy phát triển, cần cho phép Tp. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện thí điểm những dự án kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là những dự án giao thông liên vùng.

Dẫn chứng về hoạt động trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đều ghi nhận việc Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương triển khai các dự án đường vành đai diễn ra khá tốt. Để phát huy các dự án đó trong tương lai và đón đầu sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thành phố tập trung xây dựng nút giao An Phú, nối các đoạn của Vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu nhiều cầu nối nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía Đông.

Vào ngày 18/6 vừa qua, dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn đi qua thành phố đã chính thức khởi công. Đây là dự án lớn, với sự quyết tâm cao của các địa phương nhằm gỡ “điểm nghẽn” trong kết nối vùng. Với chiều dài gần 90 km, dự án này có tính chất liên kết vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc, kết nối với các tuyến quốc lộ hướng tâm.

Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo kế hoạch được trung ương xác định, thời gian tới, Tp. Hồ Chí Minh sẽ được đầu tư và hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc; xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; mạng lưới đường sắt kết nối vùng Tp. Hồ Chí Minh.

Để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp mà trung ương đề ra, Tp. Hồ Chí Minh sẽ phải nỗ lực tối đa, huy động các nguồn lực để phát triển. Cùng đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng cần những cơ chế vượt trội, sự chung tay của các địa phương trong vùng để phát huy tiềm năng lợi thế và phá bỏ những “điểm nghẽn” còn tồn tại về hạ tầng giao thông kết nối.

Theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh), Tp. Hồ Chí Minh là lõi phát triển về kinh tế, tài chính, thương mại và đóng vai trò tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực. Trong xu hướng mới hiện nay, chiến lược phát triển kinh tế của thành phố phải đảm bảo được mục tiêu thu hút các nguồn lực từ tài chính đến con người, phải gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững kết hợp với nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên tiềm năng và vị thế sẵn có./.

Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp.Hồ Chí Minh - Bài 1: Ngày càng ì ạch

Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp.Hồ Chí Minh - Bài 2: Loay hoay với “chiếc áo chật”

Tạo đòn bẩy cho đầu tàu kinh tế Tp.Hồ Chí Minh - Bài 3: Gỡ nút thắt về bộ máy và con người

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục