Tạo nguồn điện tin cậy để Côn Đảo phát triển kinh tế-xã hội (phần 2)

12:43' - 01/03/2017
BNEWS Một trong những giải pháp góp phần cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục được Điện lực Côn Đảo áp dụng từ năm 2016 là bọc hóa hơn 6 km hai tuyến đường dây trung thế.
Giàn năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện An Hội. Ảnh: TTXVN

Nhà nghỉ dưỡng công nhân lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là đơn vị sự nghiệp có thu và nộp ngân sách chính cho huyện Côn Đảo có nhu cầu sử dụng điện tháng thấp nhất (mùa thấp điểm) là gần 25 triệu đồng và cao nhất hơn 100 triệu đồng.

Tổng lượng điện tiêu thụ trong năm 2016 của riêng doanh nghiệp này đã là 380.000 kWh với chi phí khoảng 1 tỷ đồng, chưa kể, đơn vị phải có máy phát dự phòng công suất 300 KVA bổ sung mỗi lúc nguồn điện bị trục trặc với chi phí 380 triệu tiền chạy dầu.

Do vậy, việc giảm chi phí chạy máy phát điện dự phòng và giá điện trên đảo được áp dụng như giá đất liền đã khiến doanh nghiệp này giảm khá nhiều chi phí để có điều kiện mở rộng công suất phòng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, phụ trách nhân sự của Nhà nghỉ dưỡng cho biết kinh doanh tại Côn Đảo từ năm 2004, khi đó, mỗi kWh điện doanh nghiệp phải trả gần 10.000 đồng nhưng từ thời điểm 1/6/2014, khi Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7 tháng 4 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo đó, cho phép áp dụng giá bán điện trên đảo như giá đất liền thì chi phí tiền điện kinh doanh cho mỗi kWh đã giảm xuống còn khoảng 3.000 đồng. Gía điện giảm thì đơn vị có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, có nguồn tiền tiếp tục đầu tư, đưa vào hoạt động thêm hàng chục phòng nghỉ.

Nhận xét về chất lượng điện cung cấp trên đảo hiện nay, ông Hiệp cho hay: “Bắt đầu vào mùa cao điểm nghỉ dưỡng, nhưng nguồn điện mà Điện lực Côn Đảo cung cấp ổn định, đáp ứng yêu cầu sử dụng của du khách”.

Cùng với hồ An Hải, hồ Quang Trung với diện tích 114.22m2 có vai trò cung cấp nước ngọt cho toàn bộ dân trên huyện đảo Côn Đảo.

Công trình có khối lượng xây hơn 2 km bờ kè, làm hơn 2 km đường và nhiều hạng mục phụ trợ như bến xe buýt, khuôn viên trồng cây xanh xung quanh hồ, hệ thống thoát nước…, thi công trong 30 tháng với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Thường xuyên bảo dưỡng lưới điện trên đảo. Ảnh: TTXVN

Ông Tống Phú Phấn, Chỉ huy phó công trình đường và kè hồ Quang Trung, đơn vị thuộc Xí nghiệp 359 Công ty TNHH Một thành viên Duyên Hải, Quân khu 3 cũng bày tỏ doanh nghiệp thường xuyên phải sử dụng điện để đúc cấu kiện bê tông nên với tổng khối lượng đúc khoảng 6.000 m3 bê tông thì chất lượng điện ổn định sẽ quyết định rất quan trọng đến chất lượng các mẻ bê tông đúc sẵn.

Được Điện lực Côn Đảo đơn giản hóa thủ tục tiếp cận điện năng, thời gian không quá 7 ngày, so với trước là 10 ngày để kéo nguồn điện ra tận bãi thi công với chiều dài hơn 600 m, ông Phấn nhận xét:

“Ngành điện đã tạo mọi điều kiện với chất lượng dịch vụ tốt để doanh nghiệp triển khai thi công một cách thuận lợi, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Giá điện mà doanh nghiệp trả theo quy định của Nhà nước”.

Công trình hiện đã thi công được 14 tháng. Với tiến độ như hiện nay, theo ông Phấn, công trình sẽ hoàn thành trong tháng 6/2018.

Một trong những giải pháp góp phần cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục và hiệu quả trên địa bàn huyện Côn Đảo được Điện lực Côn Đảo áp dụng từ năm 2016 là bọc hóa hơn 6 km hai tuyến đường dây trung thế, để tránh nhiễm mặn, phóng điện và giảm suất sự cố. Năm nay, Điện lực tiếp tục bọc hóa 10 km còn lại.

Một điểm mới nữa trong công tác kinh doanh của Điện lực Côn Đảo hiện nay là đang vận động khách hàng thanh toán tiền điện qua thẻ ATM, với số lượng khoảng 1.100 khách hàng thì đến nay đã có 500 khách hàng thực hiện theo phương thức thanh toán này.

“Điện lực Côn Đảo được EVNSPC giao nhiệm vụ thí điểm làm mô hình 100% khách hàng thanh toán tiền điện qua thẻ ATM nhưng khó vì đặc thù ở đảo nên khách hàng chưa có thói quen dùng thẻ thanh toán”, Giám đốc Tranh trăn trở. Tuy thời gian thực hiện cho phép kéo dài đến năm 2019, nhưng Điện lực Côn Đảo đang phấn đấu hoàn thành sớm hơn.

“Muốn làm được phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan đoàn thể trong công tác tuyên truyền để gắn kết các ngân hàng trên địa bàn. Đồng thời phân tích cho khách hàng thấy được quyền lợi và lợi ích khi thanh toán thẻ qua ngân hàng mà không dùng tiền mặt. Chúng tôi sẽ nhờ những khách hàng đã sử dụng thẻ để tuyên truyền cho những người chưa thực hiện. Họ chính là những nhân chứng sống”, ông Tranh chia sẻ.

Hai tháng đầu năm nay, Điện lực Côn Đảo đã sản xuất khoảng 2,3 triệu kWh, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Các khách hàng lớn của Điện lực chủ yếu là Khách sạn Sài Gòn – Côn Đảo, Côn Đảo Resort, hệ thống chiếu sáng công cộng, nhà máy nước.

Cơ cấu tiêu thụ điện chủ yếu là ngoài sinh hoạt, chiếm 45% (gồm nhà hàng, khách sạn), hơn 30% là ánh sáng sinh hoạt, còn lại là đối tượng khác./.

>>> Tạo nguồn điện tin cậy để Côn Đảo phát triển kinh tế-xã hội (phần 1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục