Tạo sự khác biệt cho sản phẩm OCOP từ du lịch cộng đồng

14:41' - 09/09/2022
BNEWS Qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đã có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Ngày 9/9 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đây là thời đại có quá nhiều sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn nên sản phẩm càng cần phải có những yếu tố đặc biệt để thu hút khách hàng. Sản phẩm cần tạo ra sự khác biệt để tăng giá trị.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, du lịch cộng đồng cũng phải mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương. Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở. Các địa phương cần chú trọng, đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh không có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhưng các sản phẩm này đã góp phần lớn vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh tổ chức liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm, đặc biệt là đã đưa các sản phẩm OCOP tham dự tại các hội chợ quốc tế tại: Italy, Trung Quốc, Thái Lan… đồng thời quảng bá trên toàn quốc. Sản phẩm OCOP của tỉnh đã đi tới trên 20 thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Công cũng cho rằng, sản phẩm OCOP có sức lan tỏa rất cao nhưng quy mô sản phẩm thực sự chưa cao. Một số vùng, sản phẩm còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có sự đồng đều. Sự đầu tư cho sản phẩm OCOP còn hạn chế từ nguồn lực, vốn vay và sự hỗ trợ của nhà nước. Nhiều sản phẩm còn chưa hướng đến sản phẩm cao cấp. Sản phẩm OCOP cần được quảng bá, giới thiệu đồng bộ trên cả nước và nên có chương trình truyền thông tổng thể cho sản phẩm này.

Theo ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương.

Theo đó, chương trình tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.

Giai đoạn này sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.

Việc quản lý chất lượng sản phẩm OCOP sẽ được chú trọng, đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, nhất là chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, rà soát, kiểm tra đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng.

Chương trình đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Cùng đó, tập trung xây dựng để hình thành các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Thời gian vừa qua, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Trong số đó, nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc như: miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Trần Nhật Lam, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Điều này nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chương trình sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Từ đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Để triển khai, chương trình sẽ rà soát, tích hợp và bổ sung du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; xây dựng tài liệu tập huấn; bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Chương trình sẽ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, kỹ năng về hoạt động du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn.

Đồng thời, tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến ngày 31/8/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao.

Cùng với đó, có hơn 4.351 chủ thể OCOP; trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục