Tạo sức bật để phát triển thương hiệu cho hợp tác xã

18:38' - 05/05/2023
BNEWS Gần đây nhiều hợp tác xã đã chuyển hướng sang hướng sản phẩm xanh, sạch, thậm chí tinh chế nhằm bắt nhịp xu hướng tiêu dùng, qua đó tạo sức bật cho thương hiệu phát triển.
Thay vì sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm thô, gần đây nhiều hợp tác xã đã chuyển hướng sang hướng sản phẩm xanh, sạch, thậm chí tinh chế nhằm bắt nhịp xu hướng tiêu dùng, qua đó tạo sức bật cho thương hiệu phát triển.

Ống hút rau củ ECOS của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) là một trong số ít những sản phẩm của Hà Nội được xếp hạng 5 sao về OCOP (Mỗi xã một sản phẩm).

Theo ông Lê Văn Tám- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (Hà Nội), hợp tác xã đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất ống hút từ nguồn rau, củ, quả sạch được trồng theo hướng hữu cơ.

 
Sau 3 năm, quy trình sản xuất ống hút từ rau, củ, quả mới được hoàn thiện, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu ông hút rau củ ECOS cùng các tiêu chuẩn đi kèm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, từ khiống hút rau củ ECOS được xếp hạng OCOP 5 sao, sản phẩm đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, qua đó giúp hợp tác xã phát triển mạnh hơn.

Tương tự, các sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thịt lợn sạch mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z” của Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) được thị trường trong nước ưa chuộng, giúp hợp tác xã thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long thông tin, trang trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn sinh học; 100% sản phẩm bán ra được sơ chế, chế biến đóng gói mang thương hiệu "Chuỗi thực phẩm A-Z". Hiện tại, “Chuỗi thực phẩm A-Z" được xếp hạng 4 sao OCOP, tiềm năng đạt 5 sao.

Bên cạnh những hợp tác xã đã thành công trong việc tìm hướng đi cho sản phẩm, các chuyên gia chỉ ra rằng nhiều hợp tác xã vẫn đang chú trọng nuôi trồng và mở rộng diện tích khiến đầu ra vẫn gặp không ít rào cản.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu sống khỏe của người dân trên toàn cầu, hợp tác xã cần đẩy mạnh phát triển sản xuất loại nông sản này và những nông sản chủ lực của Việt Nam theo chuỗi giá trị.

Một trong những xu hướng nổi bật hiện nay được ưa chuộng là chế độ ăn lành mạnh (healthy food). Theo đó, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng những loại thực phẩm hữu cơ, thực phẩm tự nhiên, không chứa tạp chất có hại. Điều này đang mở ra nhiều cơ hội cho hợp tac xã nông nghiệp nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với những hợp tác xã hạn chế về nguồn lực và chậm thay đổi.

Tuy nhiên, theo các hợp tác xã, để đáp ứng nhu cầu ăn uống lành mạnh của người tiêu dùng ở Việt Nam và trên thế giới, việc chuẩn hóa quy trình sản xuất là rất cần thiết nhưng không hề đơn giản.

Bà Dương Thị Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ và du lịch Mãn Đức (Hòa Bình) cho biết, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm sang các thị trường châu Âu như nhãn, bưởi đỏ và đang định hướng đưa một số nông sản sang thị trường này để phục vụ nhu cầu ăn uống lành mạnh của người tiêu dùng phương Tây.

Thế nhưng, khó khăn của hợp tác xã là hiện mới chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, khoảng cách từ tiêu chuẩn VietGAP đến việc đáp ứng các chỉ số thực phẩm lành mạnh của khối thị trường châu Âu là khá lớn.

Hiện tại, một số hợp tác xã đang chung tay phát triển những thương hiệu nông sản như: chè Tân Cương, dê núi Ninh Bình, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết, vải thiều Bắc Giang… Nhưng nhìn chung các thương hiệu này phát triển vẫn còn chậm, chưa đủ mạnh để tạo ra sức bật trên thương trường quốc tế.

Để bắt kịp thị trường, các chuyên gia khuyến cáo, nếu hợp tác xã biết tận dụng những gì sẵn có và biết thu hút người tiêu dùng bằng cách xây dựng thương hiệu, giá trị đầu cuối của sản phẩm sẽ giúp đơn vị sản xuất gia tăng sức bật của giá trị tài chính là vô cùng lớn.

Do đó, hợp tác xã cần quan tâm đến yếu tố bền vững ngay từ khi bắt đầu đi vào vận hành bởi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường nên hợp tác xã muốn phát triển thì phải thích ứng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục