Tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp

17:36' - 19/08/2022
BNEWS Xuyên suốt các hoạt động của mình, VCCI luôn lấy mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam làm trọng tâm,

Chiều 19/8 tại Hà Nội, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nắm bắt tình hình hoạt động của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, nghiên cứu xem xét các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã thông tin sơ bộ về kết quả hoạt động của VCCI trong giai đoạn từ năm 2016 tới nay. Theo đó ghi nhận, VCCI đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác do Đảng, Nhà nước giao. Các hoạt động luôn được cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao. VCCI đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trong điều kiện tự trang trải quỹ lương và chi phí thường xuyên, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho một số chương trình, dự án. Các hoạt động của VCCI được triển khai theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nổi bật nhất, VCCI đã đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, luôn kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật; đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong nước.

Xuyên suốt các hoạt động của mình, VCCI luôn lấy mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam làm trọng tâm, nỗ lực không ngừng việc nâng cao chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tăng về số lượng và nâng tầm về chất lượng.

Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi các hoạt động kinh tế suốt thời gian qua, còn có nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh về tình trạng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ do các thủ tục hành chính còn phức tạp.

Song song đó vẫn tồn tại những chồng chéo, bất cập và mâu thuẫn giữa hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo nên nhiều "điểm nghẽn" khó khơi thông, khó tạo động lực giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh và bứt phá.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của VCCI trong nhiều hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; đồng thời, tăng cường phát huy vai trò đại diện giới sử dụng lao động và tập hợp, thúc đẩy liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

VCCI đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với vai trò kiến tạo và trung tâm kết nối của VCCI. Bên cạnh đó, VCCI đã đẩy mạnh rất hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế bền vững....

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo của VCCI về số lượng khoảng 94,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng năm 2022, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân mỗi tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường..., thực sự là vấn đề rất đáng suy nghĩ và cần quan tâm tìm kiếm giải pháp khắc phục, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Tại cuộc làm việc, đại diện nhiều tổ chức ngành nghề như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã nêu nhiều ý kiến phản ánh thực trạng khó khăn trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh; mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế; khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan từ những Hiệp định thương mại tự do còn chưa cao... 

Tất cả các ý kiến đều thống nhất đề xuất, Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương cần tập trung và quyết tâm tháo gỡ mọi vướng mắc hiện hữu, những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư kinh doanh... Quan trọng là những chính sách hỗ trợ thì cần là hỗ trợ thực chất, giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục