Tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

17:05' - 17/07/2017
BNEWS Trong bối cảnh nguồn lực đất nước hạn hẹp và nợ công ở mức cao thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn, việc tiếp tục đẩy mạnh, khuyến khích các nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết. Phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật xung quanh vấn đề này.

Tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa: TTXVN

PV: Xin Thứ trưởng cho biết về tình hình thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua ? Những doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu nào đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực này ?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Trong bối cảnh nguồn lực đất nước hạn hẹp và nợ công ở mức cao thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải là tất yếu, là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ cần được tiếp tục thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 và chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được khoảng 227.176 tỷ đồng để đầu tư 80 dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, BT, BOO; trong đó có 75 dự án BOT với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng, 4 dự án BT với tổng mức đầu tư khoảng 16.305 tỷ đồng và 1 dự án BOO với tổng mức đầu tư khoảng 1.524 tỷ đồng.

Hiện tại, Bộ đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 53 dự án với tổng mức đầu tư 135.763 tỷ đồng. Bộ đang triển khai 27 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 91.420 tỷ đồng; trong đó có 25 dự án BOT với tổng mức đầu tư khoảng 78.400 tỷ đồng và 1 dự án BT với tổng mức đầu tư gần 11.490 tỷ đồng và 1 dự án BOO với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng.

Theo đánh giá chung, các dự án cơ bản triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành. Các dự án hoàn thành đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ ràng, giúp doanh nghiệp vận tải, người dân tham gia giao thông thuận lợi, góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là việc đưa Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào khai thác.

Một số doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu đã tham gia đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua như: Công ty cổ phần Đèo Cả, Công ty cổ phần Tasco, Tập đoàn Cienco 4, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai…

PV: Thứ trưởng có thể cho biết cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư; trình tự, thủ tục và quy trình thực hiện dự án công tư (PPP) được quy định rất chặt chẽ, cụ thể và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây được xem là khung chính sách then chốt hướng tới đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư, thu hút đầu tư tư nhân và đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Tuy nhiên, mặc dù các quy định pháp luật về đầu tư công tư ra đời nhưng phía Nhà nước và tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể như quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; công tác giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình đặc biệt quản lý phần vốn góp của nhà nước; công tác giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư, vận hành; các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư... vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện.

Một trong những vấn đề cốt lõi nữa là do dừng lại ở mức Nghị định nên tính ổn định của chính sách không cao và đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, quy định bắt buộc lựa chọn mô hình đầu tư theo mô hình PPP theo quy định hiện tại vẫn dừng ở mức “ưu tiên”; trong khi quy định các nước và hướng dẫn của một số tổ chức trên thế giới yêu cầu Chính phủ “phải” xem xét tính khả thi đầu tư dự án theo mô hình PPP trước khi quyết định bỏ toàn bộ ngân sách đầu tư để giảm gánh nặng đầu tư công và tăng hiệu quả đầu tư, khai thác, vận hành dự án.

PV: Vậy trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những giải pháp như thế nào về quản lý nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng của Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định và đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là xu thế cần thiết và tất yếu trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp như hiện nay.

Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư; các cơ quan tham mưu của Bộ luôn quán triệt tinh thần phục vụ, trợ giúp và hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, để họ được làm tất cả những gì luật pháp không cấm.

Một số giải pháp đã được Bộ Giao thông Vận tải triển khai trong thời gian qua và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới như: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để thực hiện giám sát các dự án đầu tư theo hình thức BOT; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư theo hình thức PPP; chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin về dự án đầu tư theo hình thức PPP; công khai, minh bạch thông tin về dự án cần kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử (website) của Bộ Giao thông Vận tải tại địa chỉ http://ppp.mt.gov.vn.

Cùng với đó Bộ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt dự án, để có thể đi đến quyết định tham gia đầu tư một cách chính xác, đồng thời là cơ sở quan trọng giúp nhà đầu tư tiếp cận vay vốn ngân hàng; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đặc biệt lựa chọn được những công trình dự án cấp bách, quan trọng có khả năng hoàn vốn tốt để kêu gọi đầu tư.

Song song với các giải pháp trên, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội; nghiên cứu để áp dụng thêm nhiều hình thức đầu tư đa dạng hơn, phù hợp đặc thù dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và phù hợp với các thông lệ quốc tế...

PV: Một trong những vấn đề được xã hội quan tâm hiện nay đối với các dự án xã hội hóa đó là cơ chế giám sát. Vậy Thứ trưởng cho biết cơ chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và địa phương nơi có dự án thực hiện trong việc giám sát hình thức đầu tư này?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Các dự án đầu tư triển khai theo hình thức PPP hiện nay chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và địa phương nơi có dự án đi qua.

Tuy nhiên, đối với các dự án PPP do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, trong quá trình triển khai, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để việc triển khai dự án đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư.

Trong bước chuẩn bị đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đều lấy ý kiến của các cơ quan địa phương liên quan về chủ trương đầu tư dự án (địa điểm, quy mô, hướng tuyến, vị trí trạm thu phí, phương án đầu tư hoàn vốn…) trước khi thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng dự án, Bộ đều thành lập Nhóm công tác liên ngành có sự tham gia của địa phương để tham gia đàm phán, giám sát hợp đồng dự án.

Mặt khác, quá trình dự án đưa vào vận hành khai thác, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề bất cập về giá phí, chính sách phí đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

PV: Về cơ chế, Bộ Giao thông Vận tải có kiến nghị gì để việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giao thông thực sự hiệu quả, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Tuy đã được ưu tiên đầu tư và đã có những kết quả bước đầu nhưng nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn chưa đáp ứng được đòi hỏi về năng lực và chất lượng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Cấu trúc hệ thống kết cấu hạ tầng còn bất cập, tỷ lệ các công trình hiện đại, năng lực lớn, chất lượng cao như đường bộ cao tốc, cảng biển nước sâu hiện đại... còn thấp.

Một số tuyến quốc lộ quan trọng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp. Mạng lưới đường sắt khổ hẹp, lạc hậu và đã xuống cấp; mạng lưới đường thủy hầu hết đang khai thác tự nhiên; thiếu đồng bộ giữa năng lực cảng với hệ thống giao thông kết nối; các cảng hàng không trọng điểm như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đã và đang đối mặt với nguy cơ quá tải...

Vừa qua, để kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ và Quốc hội một số cơ chế chính sách đặc thù như: Duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán xong mới tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chấp thuận sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, phù hợp với thông lệ quốc tế, phát huy tính sáng tạo, chủ động của nhà đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề nghị tất cả các dự án sẽ đều phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, không áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư;

Ngoài ra, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung pháp lý về điều chỉnh hình thức đầu tư PPP; về lâu dài, cần tổng kết kinh nghiệm triển khai thực tiễn kết hợp kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và ban hành Luật về đầu tư theo hình thức PPP.

Đề xuất Chính phủ có cơ chế chia sẻ rủi ro thuộc về chính sách do Chính phủ quản lý (có bảo lãnh của Chính phủ về 3 rủi ro: Rủi ro về doanh thu; Rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ; Rủi ro về thực hiện trách nhiệm của Chính phủ) nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư; đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét nới lỏng giới hạn tín dụng và kéo dài thời hạn tín dụng đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng !

Quang Toàn (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục