Tập đoàn Hóa chất sẽ xây dựng phương án và lộ trình cụ thể về việc thoái vốn

18:20' - 19/01/2018
BNEWS Tập đoàn Hóa chất sẽ xây dựng phương án và lộ trình cụ thể đối với công tác cổ phần hoá, thoái vốn để báo cáo Bộ Công Thương.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ngày 19/1/2018 tại Hà Nội. Ảnh Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngày 19/1, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Hóa chất, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ xây dựng phương án và lộ trình cụ thể đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn để báo cáo Bộ Công Thương thực hiện theo quy định.

Đồng thời, Tập đoàn sẽ chỉ đạo các Công ty TNHH một thành viên, người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn, bán bớt vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-TTg về tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất giai đoạn 2017-2020.

Tập đoàn cũng cho biết, sẽ đảm bảo việc bán đấu giá cổ phần lần đầu, thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, bán bớt vốn theo nguyên tác thị trường, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, nhằm bảo toàn vốn và phát triển vốn đã đầu tư của Tập đoàn.

Cụ thể: Tập đoàn sẽ hoàn thiện thể chế quản lý, trọng tâm là việc hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ tại Tập đoàn để tăng cường hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý điều hành của Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán và đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, thông qua Quy chế quản lý người đại diện vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp và ý kiến

chỉ đạo trực tiếp Người đại diện vốn của Tập đoàn sẽ giúp tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của Tập đoàn đối với người đại diện phần vốn cua tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên.

Riêng đối với các đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, ông Bùi Thế Chuyên cho hay, các đơn vị cần chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất; chủ động gắn sản xuất với thị trường để đảm bảo tồn kho nguyên vật liệu, sản phẩm ở mức hợp lý; đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả của quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh góp phần tăng hiệu quả chung của doanh nghiệp.

“Tập đoàn sẽ thực hiện giám sát đặc biệt với các đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh lỗ. Yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp đồng thời với việc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ giải quyết, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp sớm ra khỏi tình trạng giám sát đặc biệt”, ông Chuyên nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho tằng, trong 4 dự án thua lỗ, DAP 1 đã có lãi, đây là sự cố gắng của Tập đoàn Hóa chất và nhà máy. Vừa qua, đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta phải thực hiện tái cấu trúc về quản lý, tài chính và quan trọng phải lựa chọn được những cán bộ có năng lực, tiếp tục tìm nguồn tài chính, đầu tư.

“Giải quyết hài hòa, động viên anh em cán bộ, những vi phạm phải giải quyết hài hòa để tập trung phát triển, sản xuất kinh doanh không những cho riêng ngành hóa chất mà cho cả nền kinh tế”, Thứ trưởng nói.

Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất, thời gian qua, thực hiện các kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chính phủ, Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo 4 đơn vị (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem, DAP số 2 – Vinachem) nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.

Nhìn chung, các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy tốt hơn so với năm 2016 và tăng cường công tác quản trị nhằm tiết giảm chi phí, phấn đấu có lãi hoặc lỗ ở mức thấp nhất.

Tập đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với trọng tâm là kiểm soát mua bán vật tư và tiêu thụ sản phẩm, định mức tiêu hao, sử dụng lao động tại 4 đơn vị thông qua các Đoàn công tác giám sát theo chuyên đề.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã đề xuất, kiến nghị và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết một số cơ chế chính sách như giãn khấu hao, áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời...

Với sự cố gắng của các đơn vị, kết quả sản xuất của 4 đơn vị đã tốt hơn năm 2016... sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng cao; sỗ lỗ giảm so với năm 2016; trong đó, Công ty cổ phần DAP – Vinachem lũy kế cả năm có lãi.

Trong năm qua, Tập đoàn đã tiếp tục hỗ trợ trả nợ vốn vay đầu tư cho Dự án Đạm Ninh Bình từ nguồn vốn tự có của Tập đoàn; hỗ trợ vốn lưu động cho Công ty Đạm Ninh Bình phục vụ sản xuất kinh doanh, chạy lại máy của đơn vị.

Đồng thời, tích cực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại về các chính sách tháo gỡ khó khăn cho 4 Công ty này như: giảm trích khấu hao tài sản cố định, cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh; Thực hiện giám sát đặc biệt với 4 đơn vị thua lỗ trên.

Tập đoàn đã đôn đốc các đơn vị tập trung đẩy mạnh việc thực hiện quyết toán các dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 theo đúng tiến độ. Tập đoàn đã thuê đơn vị tư vấn để hỗ trợ, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quyết toán dự án hoàn thành.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục