Vinachem kiên quyết khắc phục, xử lý các dự án thua lỗ

13:05' - 17/10/2017
BNEWS Sau khi giải quyết xong các khó khăn, tồn tại đối với các dự án, các đơn vị hoạt động hiệu quả được tiến hành thoái vốn 100%.
Vinachem kiên quyết khắc phục, xử lý các dự án thua lỗ. Ảnh: TTXVN
Liên quan đến 4 dự án thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gồm: dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Vinachem cho biết sẽ kiên quyết khắc phục, xử lý các dự án thua lỗ này. Theo kế hoạch, sau khi giải quyết xong các khó khăn, tồn tại đối với các dự án, các đơn vị hoạt động hiệu quả được tiến hành thoái vốn 100%.

* Sức cạnh tranh giảm

Theo Vinachem, cả 4 dự án nêu trên đã được đầu tư, xây dựng theo phê duyệt và đi vào vận hành thương mại, đặc biệt đều cho ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Cùng với đó, các nhà máy cũng được các cơ quan chức năng thẩm định và kết luận: hệ thống máy móc thiết bị đồng bộ, công nghệ đạt tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Đề cập đến nguyên nhân khiến 4 dự án thua lỗ, đại diện lãnh đạo Tập đoàn cho biết, khoảng 2 năm gần đây, giá phân bón thế giới giảm mạnh khiến giá phân bón trong nước giảm theo. Cụ thể, giá ure năm 2011, giá bình quân nhập khẩu là 420 USD/tấn, năm 2012 là 405 USD/tấn, năm 2013 là 340 USD/tấn, năm 2014 là 316 USD/tấn, năm 2015 là 272 USD/tấn và đến năm 2016 xuống còn 220 USD/tấn.

Giá DAP cũng giảm tương tự. Nếu như năm 2011 giá bình quân nhập khẩu là 618 USD/tấn, năm 2012 là 540 USSD/tấn, năm 2013 là 444 USD/tấn. Đến năm 2014, từ 472 USD/tấn giảm xuống 458 USD/tấn vào năm 2015 và đến năm 2016 chỉ còn 361 USD/tấn.

Trong khi "đầu ra" giảm mạnh thì giá nguyên liệu sản xuất phân bón là nguồn than trong nước không được giảm giá, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất như: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc. Cũng chính vì giá bán và giá nguyên liệu trong nước đi ngược chiều nhau đã gây ra thua lỗ và đến nay Tập đoàn vẫn đang làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) để hiệp thương về giá than.

Ngoài ra, trước khi áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 5% và các doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế GTGT cho nguyên liệu, vật tư đầu vào sản xuất và máy móc thiết bị dùng cho đầu tư. Khi áp dụng Luật này, phân bón là mặt hàng không chịu thuế GTGT và không được khấu trừ GTGT đầu vào (máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất) mà phải tính vào chi phí sản xuất, khiến cho giá thành sản xuất phân bón trong nước tăng lên.

Theo tính toán của Vinachem, năm 2015, thuế GTGT đầu vào của vật tư, nguyên liệu không được khấu trừ phải tính vào giá thành phân bón; giá trị máy móc, thiết bị đầu tư không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với dự án đầu tư của Đạm Hà Bắc là 55 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình là 102 tỷ đồng và Công ty CP DAP2- Vinachem là 112 tỷ đồng. Trong khi đó, giá thành phân bón nhập khẩu không bị tác động bởi Luật này mà ngược lại còn được hưởng lợi do không phải chịu thuế GTGT khi nhập khẩu vào Việt Nam. Các tác động nêu trên đã làm giảm sức cạnh tranh về giá của phân bón sản xuất trong nước so với phân bón nhập khẩu.

* Tín hiệu đáng mừng

Tại thời điểm các dự án rơi vào thua lỗ, Vinachem cũng đã thành lập Ban chỉ đạo của Tập đoàn tập trung phân tích, đánh giá lại toàn bộ các dự án, đặc biệt về trình độ công nghệ và tính đồng bộ của thiết bị lắp đặt; rà soát, đánh giá các nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra thua lỗ của các dự án. Trên cơ sở đó, Tập đoàn đã đề xuất phương án xử lý, gửi Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo của Chính phủ.

Báo cáo của Vinachem cho hay, đến nay cả 4 nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19 - 24 ngày, trừ nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa lớn theo kế hoạch từ ngày 25/8 đến 10/10, phụ tải trung bình đạt từ 75 - 90%. Các nhà máy cũng đã nỗ lực tăng cường công tác quản trị, tiết giảm các chi phí sản xuất để giảm thua lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm.

Do vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, chi phí biến đổi đã thấp hơn giá bán từ 52.000 - 892.000 đồng/tấn. Đặc biệt, từ tháng 8/2017, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9/2017 ước tính lãi hơn 6,7 tỷ đồng và dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế.

Đại diện lãnh đạo Vinachem cũng khẳng định, định hướng của Tập đoàn là sau khi giải quyết các khó khăn, thua lỗ 4 dự án này, các đơn vị hoạt động hiệu quả sẽ tiến hành thoái vốn 100% và cố gắng thực hiện sau năm 2018.

Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục tiết giảm chi phí sản xuất, tiền lương, nhân công, sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị và tiêu hao vật tư; làm chủ công nghệ, đảm bảo chạy đủ tải, dài ngày để mức tiêu hao thấp nhất. Ngoài ra, xây dựng chiến lược, kế hoạch mở rộng thị trường, tăng cường khả năng tiêu thụ.

Đối với giải pháp nhân sự, các trường hợp lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, có thể do ý thức trách nhiệm hay năng lực quản lý thì Tập đoàn kiên quyết thay thế. Điển hình là mới đây đã thay thế Tổng giám đốc của DAP 2.

Cùng với đó, tiếp tục hiệp thương với TKV, đề xuất giá bán than cám 4a.1 có thể giảm gần 300.000 đồng/tấn; giá bán than cám 5a.1 giảm khoảng 166.000 đồng/tấn.

Còn với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014, Tập đoàn cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 0% - 5%.

Riêng với các khoản vay của các đơn vị sản xuất phân đạm và phân DAP của Tập đoàn, Vinachem cũng đề nghị được kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn... Ngoài ra, điều chỉnh lãi suất tiền vay giai đoạn 2017 - 2021 với lãi suất 3%/năm; từ năm 2022 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước... nhằm giúp các dự án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục