Tấp nập phiên chợ “mua may, bán rủi”

21:10' - 16/02/2024
BNEWS Ngày nay, những người tới chợ không chỉ là nông dân mà gồm nhiều ngành nghề, đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau, do vậy, sản vật đem bán đa dạng hơn.
Hàng năm, cứ vào đêm Mùng 7 rạng sáng Mùng 8 tháng Giêng, tại tỉnh Nam Định, Hội chợ Viềng Xuân đã diễn ra. Đây là phiên chợ cả năm chỉ họp một lần với ý nghĩa "mua may, bán rủi", vì vậy, luôn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Năm nay, thời tiết thuận lợi, chợ diễn ra vào ngày cuối tuần, lượng người đến chợ Xuân đông hơn.

 
Chợ Viềng là phiên chợ cổ của cư dân nông nghiệp, các mặt hàng được bày bán tại đây rất đa dạng, từ nông cụ truyền thống phục vụ công việc đồng áng hàng ngày của người dân như, dao, liềm, cuốc, xẻng... đến các loại cây trồng đặc trưng vùng miền như chanh, táo, hồng xiêm, vú sữa…

Ngày nay, những người tới chợ không chỉ là nông dân mà gồm nhiều ngành nghề, đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau, do vậy, sản vật đem bán đa dạng hơn.

Năm nay, ngoài gian hàng bày bán cây cối, gian hàng bày bán mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc đồ lưu niệm trong nông nghiệp thu hút đông đảo du khách ghé thăm.

Anh Nguyễn Văn Huấn, người dân thành phố Nam Định cho biết, năm nào anh cũng đi chợ Viềng để du Xuân, cầu mong một năm buôn bán suôn sẻ. Năm nay, anh chọn mua một chiếc giỏ đựng cá vừa để lấy may cũng là vật trang trí trong nhà, trông rất đẹp.

Anh Đinh Công Thành, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình chia sẻ, sau giờ tan làm, anh và một số đồng nghiệp rủ nhau đi chợ Viềng. Mặc dù đường đến chợ đông nhưng khi đến đây, mọi người đều thấy vui vẻ, hoan hỉ ngày Xuân. Sau khi tham quan nhiều gian hàng, anh Thành quyết định chọn mua cây sung để lấy may. Theo quan niệm dân gian, cây sung đại diện cho sự sung túc, anh mong một năm mới gia đình sung túc, bình an.

Hàng hóa góp mặt ở chợ chủ yếu được người dân tại các huyện trong tỉnh Nam Định và một số địa phương như, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên… mang tới. Với tâm lý bán rủi, mua may nên người bán và người mua hàng thường đưa ra giá vừa phải, không đặt nặng yếu tố lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Nam, chủ gian hàng bán cây, huyện Nam Trực cho biết, gia đình chuyên trồng các loại hoa, cây cảnh như chanh, hoa hồng, trà, hải đường… Hằng năm, cứ đến phiên chợ Viềng, gia đình lại đưa cây lên bán. Năm nay, người mua rất đông, thuận mua vừa bán, ai nấy đều vui vẻ.

Thịt bò là đặc sản không thể thiếu trong phiên chợ Viềng đầu Xuân. Nhiều người quan niệm, đi chợ Viềng không mua một thứ gì đó cũng như không có một miếng thị bò mang về lấy lộc coi như chưa tới chợ. Thịt bò có màu đỏ mang lại vận son cho cả năm, vì vậy, mặc dù giá đắt hơn so với ngày thường nhưng thịt bò là một trong số các mặt hàng bán chạy nhất tại phiên chợ này.

Tại chợ Viềng phủ huyện Vụ Bản, càng về đêm, dòng người đến đây ngày càng đông. Một số người quan niệm rằng, khi đi chợ Viềng, du khách có thể dạo chơi cả chiều Mùng 7 nhưng sau 0 giờ ngày Mùng 8 hãy mua đồ bởi đó mới là thời điểm để bán rủi, mua may. Những năm gần đây, giao thông đi lại thuận tiện nên nhiều du khách ở xa như, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình…có thể đi chợ Viềng trong ngày.

Để chủ động giải quyết tình huống ùn tắc giao thông, đảm bảo cho nhân dân tham gia lễ hội an toàn, thuận tiện, Công an tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, huy động khoảng 500 cán bộ, chiến sỹ tổ chức cắm chốt điều tiết giao thông tại các chốt và thực hiện tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, lối vào chợ Viềng.

Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản, Trưởng ban tổ chức hội chợ Viềng, dự kiến năm nay, lượng khách đến chợ đông hơn so với mọi năm, Ban tổ chức quy định cụ thể từng khu vực kinh doanh, dịch vụ trong chợ; tổ chức hợp lý các bến bãi coi giữ phương tiện giao thông, tránh hiện tượng nâng ép giá; phối hợp ngành thành viên của Ban chỉ đạo giải quyết, xử lý tệ nạn hành khất, cờ bạc, trộm cắp, đổi tiền lẻ, kinh doanh hàng cấm, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp trong thời gian diễn ra chợ Viềng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục