Tập trung đất đai, từ cách làm riêng

08:03' - 15/04/2023
BNEWS "Quê hương năm tấn" giờ đây vẫn sở hữu thế mạnh về sản xuất lúa gạo ở miền Bắc. Sản xuất lúa tuy có lãi nhưng thu nhập từ lúa không đảm bảo đời sống cho nông dân.

Trong khi chờ Luật Đất đai được sửa đổi, tạo điều kiện cho sản xuất tập trung quy mô lớn thì những chính sách linh hoạt, cách làm riêng của tỉnh Thái Bình cùng tinh thần hợp tác giữa những người nông dân đã biến những mảnh ruộng nhỏ chỉ bình quân 0,2 ha/hộ thành những mảnh ruộng lớn cho sản xuất đại điền. Đây đang là hướng đi đột phá cho nền nông nghiệp hiệu quả, hiện đại, tích hợp đa giá trị.

 

Từng đi làm thuê đủ các nghề như phụ hồ, hàn, sửa chữa máy móc… từ Bắc chí Nam để tăng kinh tế gia đình nhưng ông Đỗ Văn Cảnh, xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nhận thấy chỉ có thể sản xuất nông nghiệp và sản xuất lớn thì kinh tế gia đình mới trở nên khá giả.

Ngay từ năm 2009, ông Cảnh đã nghĩ ngay đến việc thuê mượn lại đất của các hộ xung quanh. Nhưng thời đó, người dân địa phương cũng chỉ biết trông chờ vào cây lúa nên việc thuê mượn lại đất vô cùng khó khăn. Từ năm 2015, khu công nghiệp mở ra, các doanh nghiệp về địa phương tăng lên, các hộ xung quanh có ý nghĩ bỏ ruộng ngày càng nhiều, việc tập trung đất đai của ông từ đó trở nên dễ dàng hơn.

Từ diện tích của gia đình chỉ có 5,5 sào (gần 2.000 m2) ruộng, chỉ đủ cho gia đình ông Cảnh đủ lúa gạo ăn mà không tính công, nay ông đã sản xuất với 40 mẫu (144.000 m2). Giờ đây, mỗi vụ ông có thể thu từ 80-100 tấn thóc. Gia đình ông có doanh thu trên 2 tỷ đồng mỗi năm và sau khi trừ chi phí thu lãi đến 1 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, nhờ sản xuất lớn, ông Cảnh đã mạnh dạn đầu tư máy móc cơ giới như máy gặt, máy cấy, xe vận chuyển… nên còn nhận làm thêm dịch vụ nông nghiệp cho khoảng 200 mẫu ruộng.

Chỉ muốn chăm lo, đầu tư cho mảnh ruộng của mình mà không đi làm thêm các dịch vụ khác nữa, ông Cảnh mong muốn có thể thuê được 100 mẫu. Nhưng xung quanh xã Thái Thọ giờ đây không còn diện tích ruộng nào bỏ hoang vì những đại điền như ông nổi lên rất nhiều.

Khi thấy nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều mà bản thân lại thấy phải sản xuất lớn, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cũng tự thuê ruộng đất lại của nông dân để sản xuất. Ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết, hợp tác xã đã tập hợp được 6 ha. Nhưng trước tình trạng giá vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao, hợp tác xã đã hướng tới sản xuất lúa hữu cơ để tận dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ được 1,5 ha. Năm 2023, hợp tác xã sẽ phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ toàn diện tích hợp tác xã thuê được và hướng tới liên kết các hộ mở rộng lên 15-20 ha.

Một huyện thuần nông như Đông Hưng có diện tích sản xuất lúa 11.300 ha/14.000 ha sản xuất nông nghiệp. Điều tra sơ bộ của huyện cho thấy chỉ có 50% các hộ vẫn có nhu cầu sản xuất để tạo lương thực, thực phẩm để phục vụ gia đình. Còn lại không có nhu cầu sản xuất, muốn cho thuê, mượn lại ruộng. Thực tế này dẫn đến nhiều xã có hiện tượng ruộng bỏ hoang không tổ chức gieo cấy.

Nhưng nhờ chính sách của tỉnh khuyến khích các hộ dân đổi ruộng, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất, diện tích ruộng bỏ hoang của Đông Hưng từ 400 ha (năm 2018) nay còn 35 ha chủ yếu ở ven làng, chuột bọ phá hại, nước thải ô nhiễm, khu trũng, máy móc không vào được.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay toàn tỉnh Thái Bình có trên 1.700 hộ có diện tích canh tác từ 2ha trở lên, thậm chí có hộ đã tích tụ được cả trăm ha. Số hộ theo hướng tập trung đất đai ngày càng nhiều.

Tuy tập trung được diện tích lớn nhưng nhiều thửa ruộng của ông Cảnh còn manh mún vì vẫn còn một số hộ ở giữa thửa không đồng ý cho thuê lại. Họ vẫn sản xuất nhưng việc chăm sóc đồng ruộng lại bỏ bê nên làm khó cho những người tập trung được ruộng đất như ông Cảnh.

Không chỉ vậy, ông Cảnh cũng cho biết, ông và nhiều hộ đại điền còn gặp khó về đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là điểm mà ông mong muốn có thể tháo gỡ khi Luật Đất đai được sửa đổi để các hộ sản xuất lớn có thể tiếp cận thuê đất đầu tư hạ tầng cơ sở bảo quản máy móc, kho sấy, mặt bằng làm mạ… sản xuất đại điền hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Nghị, xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư dù đã tập trung thuê được 20 ha nhưng ông cho rằng việc này cũng không bền vững. Bởi, sau khi ông đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, cánh đồng nên đẹp hơn rất có thể chủ ruộng đòi lại (không cho thuê tiếp). Do đó, ông Nghị mong muốn, cơ quan chức năng có cơ chế, pháp chế để người tập trung đất đai có thể thuê được trong thời gian dài yên tâm trong đầu tư.

Để có được phong trào tập trung đất đai ở địa phương, ông Đinh Vĩnh Thụy cho biết, tỉnh đã ban hành cơ chế để khuyến khích tập trung đất đai cho các hộ nông dân. Theo đó, những hộ nông dân cho hộ khác thuê hoặc mượn ruộng được tỉnh hỗ trợ 20 kg thóc/sào/năm. Những xã tuyên truyền, vận động tốt nông dân cho thuê, mượn đất cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng/ha.

Cùng với đó tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư mua: máy sấy, máy cấy… để đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Có các chính sách thúc đẩy liên kết, tổ chức sản xuất. Diện tích tổ chức sản xuất liên kết của tỉnh không ngừng tăng lên, đạt khoảng 16.000 ha.

"Tỉnh tiếp tục chủ trương thúc đẩy các hộ đại điền này thành lập các hợp tác xã. Thông qua hợp tác xã, các hộ sẽ được mượn, thuê đất để xây dựng trụ sở, kho bãi… Hợp tác xã cũng dễ dàng tiếp cận được các chính sách của nhà nước về kinh tế tập thể. Hình thành hợp tác xã sẽ giải quyết được các vướng mắc của các đại điền hiện nay", ông Đinh Vĩnh Thụy cho hay.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá, tập trung hay tích tụ ruộng đất thành công sẽ là hướng đi đột phá cho nông nghiệp khi hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, hiện đại, tích hợp đa giá trị. Thị trường khoa học công nghệ từ đây cũng phát triển; tín dụng, chính sách cũng sẽ tập trung vào các đối tượng cụ thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục