Tập trung giải quyết lưu thông hàng hóa, nông sản

22:08' - 28/07/2021
BNEWS Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội cũng cần xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo lưu thông tốt hàng hóa.

Trong những ngày gần đây nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt phản ánh về việc không duy trì được sản xuất, ứ đọng sản phẩm do việc lưu thông giống, thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm qua các chốt kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, ngày 28/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số biện pháp cấp bách để lưu thông hàng hóa kịp thời.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đơn vị và chính quyền các cấp cùng với việc kiểm soát phòng chống dịch thì cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Các tỉnh, thành phố hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo “luồng xanh” nhanh nhất từ khi làm xong thủ tục đăng ký. Những chốt kiểm soát dịch bệnh cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe “luồng xanh”, để tránh ách tắc giao thông.

Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội cũng cần xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo lưu thông tốt hàng hóa.

Đến nay, nhiều tỉnh thành đã ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhưng còn thiếu một số hàng hóa, vật tư phục vụ cho sản xuất. Việc đăng ký cấp giấy chứng nhận cho xe vận chuyển theo "luồng xanh" còn khó khăn, chưa kịp thời. Nhiều chốt kiểm tra chưa có làn ưu tiên cho xe "luồng xanh", nên mất nhiều thời gian cho việc khai báo ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa đặc biệt là hàng hóa tươi sống.

Trong khi đó, trước tình trạng khái niệm hàng hóa thiết yếu chưa được hiểu đúng và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương cũng đề xuất các địa phương rà soát tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thiết yếu.

Cụ thể, nhóm hàng thực phẩm bao gồm các mặt hàng theo danh mục tại Phụ lục II, Phụ lục III và mục 3,4,5,6,7,8 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bao gồm các mặt hàng như: sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…Cùng với đó là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than. Ngoài ra, các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Việc này nhằm tránh việc mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về danh mục hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn mới đây để bàn về các giải pháp lưu thông, cung ứng hàng hóa cho các địa phương vùng dịch, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng cần duy trì đội ngũ giao hàng (shipper) để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào khâu lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là trong việc ưu tiên, tạo “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa thiết yếu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng đề xuất phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; phối hợp thông tin, tuyên truyền để có những chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, chính xác và kịp thời. 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương nhất trí cao với đề xuất duy trì đội ngũ giao hàng (shipper). Thế nhưng, để duy trì đội ngũ này, cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị. Từ đó, tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ này, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Liên quan đến đề xuất “phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc tăng cường mua - bán hàng trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh, góp phẩn đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Trong ngày 28/7, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan chính thức thông báo tiếp tục cung ứng thực phẩm tươi sống tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Thông tin này đã góp phần bình ổn thị trường và giúp người dân thành phố an tâm về nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn trong những ngày tới.

Trước đó, từ ngày 19 - 27/7, Vissan đã tổ chức thực hiện 10 lượt xét nghiệm cho người lao động; qua đó, phát hiện 43 ca nhiễm COVID-19 (ca F0). Các ca nhiễm COVID-19 tập trung chủ yếu tại những bộ phận như: thu mua và cung ứng; tiếp nhận nguồn lợn hơi...

Ngay sau khi phát hiện có ca nghi nhiễm đầu tiên, Vissan đã nhanh chóng phối hợp đơn vị chức năng, kịp thời đưa ca nghi nhiễm đi cách ly theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiến hành sàng lọc, tổ chức khoanh vùng phong tỏa tạm thời khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện quy định theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp. Hồ Chí Minh (HCDC).

Trong hoàn cảnh như trên, Vissan vẫn nỗ lực tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Riêng đối với hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi lực lượng lao động tại khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, hiện Vissan cung cấp mỗi ngày khoảng 600 con lợn, tương đương 10% tổng lượng cung của Tp. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có thể kể đến những đơn vị cung ứng khác, gồm Sagrifood, Masan, Anh Hoàng Thi, CJ, CP, Feddy... Đặc biệt, nhiều hệ thống phân phối hiện đại còn có nguồn cung ứng thịt đông lạnh... Vì vậy, những nguồn cung này có thể bù đắp nguồn cung thiết hụt từ Vissan và giá cả mặt hàng thịt lợn sẽ vẫn ổn định./.

>>Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại phương tiện ra, vào thành phố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục