Tập trung tái cơ cấu sản xuất thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh dịch COVID-19

19:09' - 03/03/2020
BNEWS Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các địa phương và người dân phải đảm bảo hai mục tiêu song song là phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức chiều 3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các địa phương và người dân không được chủ quan lơ là và phải đảm bảo hai mục tiêu song song là phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để rơi vào tình trạng bị động và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ tập trung tái cơ cấu sản xuất thúc đẩy tăng trưởng.

"Các bộ, ngành cần tiếp tục tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, các dự án được Quốc hội giao, tiếp cận vốn tín dụng…; thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí doanh nghiệp, rà soát vướng mắc về lao động, tăng cường các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu…", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Tuy nhiên dịch vẫn diễn biến phức tạp với tỷ lệ người nhiễm tăng nhanh tại một số nước; trong đó có một số thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải.

Tốc độ tăng của nhiều ngành giảm so với cùng kỳ; trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu…

 Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 2. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết cũng còn một số điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm như: thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, ngành ngân hàng chỉ đạo quyết liệt với các giải pháp tạm thời tái cơ cấu hạn trả nợ, khoanh nợ…, các ngành khác cũng có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về giảm thuế, phí… Xuất khẩu vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu được kiểm soát dù trong dịp đầu năm thường phải nhập nhiều nguyên vật liệu cho sản xuất. Nông nghiệp có nhiều lĩnh vực tăng trưởng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng cơ bản được kiểm soát.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.

Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm với trên 28.000 doanh nghiệp…/.

>>> Thủ tướng: Trong khó khăn nhưng kinh tế xã hội vẫn cơ bản giữ ổn định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục