Tập trung xây dựng hệ thống điện phát triển công nghiệp tại Hưng Yên

15:37' - 07/02/2023
BNEWS Công ty Điện lực Hưng Yên đã chú trọng xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn.

Xác định việc bảo đảm nguồn điện là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thời gian qua, Công ty Điện lực Hưng Yên - PC Hưng Yên (Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc - EVNNPC) đã chú trọng xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ; kịp thời sửa chữa, nâng cấp hạ tầng lưới điện trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn.

 

Công ty Điện lực Hưng Yên cho biết, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện được cấp điện từ trạm biến áp (TBA) 500kV Phố Nối và các TBA 220kV Phố Nối, 220kV Kim Động.

Hiện nay, PC Hưng Yên đang quản lý vận hành 24 đường dây 110kV với chiều dài 252km; hơn 463 nghìn khách hàng sử dụng điện là các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 4.033,22 triệu kWh; trong đó công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng gần 80%.

Trên địa bàn tỉnh còn có 17 KCN; trong đó có 8 KCN đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 26 CCN; trong đó có 4 CCN đang triển khai đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2016 – 2020, đã có nhiều khách hàng sử dụng điện lớn đi vào hoạt động sản xuất trong các KCN như: Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Minh Quang, KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ, KCN Yên Mỹ 2… với tổng công suất đăng ký hơn 500MVA. 

Từ năm 2021 đến nay, một số khách hàng trong các KCN tiếp tục đăng ký hoạt động với công suất sử dụng điện lớn như: Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (18MVA), Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát (13MVA), Công ty TNHH Vật liệu mới Haixin Việt Nam (36MVA), KCN số 01 (50MVA), KCN số 03 (28MVA), KCN Sạch (24MVA), KCN số 05 (33MVA)… với tổng công suất đăng ký hơn 600MVA. 

Với phương châm “điện phải đi trước một bước”, ngành điện miền Bắc nói chung và Công ty Điện lực Hưng Yên đã chủ động triển khai, xây dựng hệ thống điện đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. 

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, EVNNPC và PC Hưng Yên đã đầu tư xây dựng, cải tạo hơn 1,5 nghìn km đường dây trung và hạ thế, hơn 1,2 nghìn TBA. Cùng với đó, PC Hưng Yên đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa (TTĐKX) và hiện đại hóa các TBA 110kV thành TBA không người trực, lắp đặt các thiết bị đóng/cắt Recloser/LBS có kết nối điều khiển xa về TTĐKX, qua đó hoàn thành bước đầu của Đề án Lưới điện thông minh. 

Hiện nay mỗi KCN trên địa bàn tỉnh được cấp điện từ ít nhất 1 TBA 110kV và đồng thời có nguồn dự phòng từ 1 trạm 110kV khác khi có sự cố xảy ra trên lưới điện. Từ năm 2016 đến nay, PC Hưng Yên đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng thêm các xuất tuyến trung thế 22kV mới để đáp ứng tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất trong KCN.

Đối với các CCN, ngành điện đã và đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các đường dây trung thế đồng bộ với tiến độ đầu tư hạ tầng CCN, bảo đảm cấp điện ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây.

Các đường dây trung thế cấp điện cho các CCN đều có các mạch vòng liên lạc, bảo đảm cấp điện ổn định, có dự phòng cho phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Ngoài ra, căn cứ vào tiến độ triển khai đầu tư và đăng ký nhu cầu sử dụng công suất của các nhà đầu tư KCN, CCN, PC Hưng Yên đã lập phương án cấp điện, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải khi đi vào hoạt động.

Ông Lương Minh Thanh - Giám đốc PC Hưng Yên dự báo trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng điện trong các KCN, CCN của tỉnh rất lớn.

Để bảo đảm vận hành cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, với các KCN, CCN nói riêng, công ty mong muốn tỉnh quan tâm hỗ trợ nhiều hơn trong công tác đăng ký sử dụng đất, thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn, qua đó bảo đảm triển khai đúng tiến độ các dự án cung cấp điện. 

Theo ông Lương Minh Thanh, các khách hàng doanh nghiệp có trạm điện riêng cần tăng cường phối hợp với ngành điện trong tổ chức quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng thiết bị theo đúng quy định, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây ảnh hưởng đến việc vận hành cung cấp điện của lưới điện.

Đồng thời phối hợp với ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, tài sản lưới điện phục vụ nhiệm vụ chung của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục