Tàu đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ "không có cơ hội" hạ cánh nhẹ nhàng

13:14' - 10/01/2024
BNEWS Đội ngũ kỹ sư đang nỗ lực tìm giải pháp để kéo dài thời gian hoạt động của tàu Peregrine, đồng thời phân tích các dữ liệu liên quan để xác định sứ mệnh đổ bộ tiếp theo lên Mặt Trăng.

Ngày 9/1, công ty chế tạo robot Astrobotic Technology của Mỹ cho biết tàu đổ bộ Mặt Trăng Peregrine "không có cơ hội" hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng do gặp phải sự cố rò rỉ nhiên liệu chỉ vài giờ sau khi rời bệ phóng.

Theo Astrobotic Technology, tàu Peregrine hiện còn 40 giờ nhiên liệu và có thể tiếp tục hoạt động với chức năng của một tàu vũ trụ. Đội ngũ kỹ sư đang nỗ lực tìm giải pháp để kéo dài thời gian hoạt động của tàu Peregrine, đồng thời phân tích các dữ liệu liên quan để xác định sứ mệnh đổ bộ tiếp theo lên Mặt Trăng.

 

Trước đó, trong thông báo ngày 8/1, Astrobotic Technology cho biết tàu Peregrine đã gặp phải sự cố bất thường sau khi tách khỏi tên lửa, khiến tàu không thể hướng các tấm pin Mặt Trời của mình về phía Mặt Trời.

Tàu Peregrine đang trên đường tới Mặt Trăng và được cho là sẽ giữ nguyên quỹ đạo của mình trước khi hạ cánh xuống vĩ độ trung bình khu vực được gọi là Sinus Viscositatis dự kiến vào ngày 23/2 tới.

Sáng 8/1, tàu Peregrine rời bệ phóng từ Trạm Vũ trụ ở mũi Canaveral, bang Florida, nhờ tên lửa đẩy hoàn toàn mới Vulcan Centaur do United Launch Alliance chế tạo. Với sứ mệnh này, Astrobotic Technology - có trụ sở tại Pittsburgh - đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có tàu đổ bộ đáp thành công xuống Mặt Trăng. Cho đến nay mới chỉ có một số cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia đạt được thành tựu này.

Peregrine là tàu đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên của Mỹ trong hơn 5 thập kỷ. Lần gần đây nhất Mỹ thực hiện sứ mệnh đáp xuống Mặt Trăng là vào tháng 12/1972, trong đó các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt trong sứ mệnh tàu Apollo 17 trở thành người thứ 11 và 12 đi bộ trên Mặt Trăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục