Tây Ninh: Bệnh khảm lá sắn lan nhanh

21:24' - 28/08/2017
BNEWS Diện tích cây sắn tại Tây Ninh bị nhiễm bệnh khảm lá đang lan rất nhanh, gấp 3-4 lần so với cách đây một tháng do công tác tuyên truyền đến với người dân chưa tích cực.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch khảm lá cây khoai mì (sắn) chiều ngày 28/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá đang lan rất nhanh, gấp 3-4 lần so với cách đây một tháng do công tác tuyên truyền đến với người dân chưa tích cực.

Đặc biệt là người dân có diện tích cây sắn bị bệnh vẫn còn lơ là trong phòng, chống dịch, không chịu tiêu hủy cây trồng theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng, tác nhân chính gây bệnh khảm lá sắn; đồng thời tiêu hủy cây trồng để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Những trường hợp đã tiêu hủy, cần hỗ trợ kinh phí kịp thời cho người dân; trường hợp người dân cố tình không chấp hành, lập biên bản xử phạt hành chính; cần thiết sẽ cưỡng chế tiêu hủy đúng theo quy định.

Theo ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tính đến ngày 27/8, toàn tỉnh đã có trên 5.680 ha sắn bị bệnh khảm lá, chiếm 29,1% so với diện tích còn trên đồng, tăng gấp 3, 4 lần so với thời gian công bố dịch (tỉnh đã công bố dịch ngày 21/7).

Trong đó, huyện Tân Châu có 4.280 ha bị bệnh, chiếm 75% diện tích còn trên đồng, huyện Tân Biên còn gần 1.000 ha bị nhiễm, chiếm 20,7% diện tích còn trên đồng. Kể từ khi công bố dịch, tỉnh đã xuất ngân sách trên 8 tỷ đồng để mua thuốc phun xịt bọ phấn trắng và hỗ trợ diện tích bị tiêu hủy.

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì bệnh này mới xuất hiện ở Việt Nam chưa có thuốc điều trị, nên toàn bộ diện tích bị bệnh cần phải tiêu hủy bằng các biện pháp cày lấp hoặc đốt sau khi phun thuốc diệt mầm bệnh 3 ngày để tránh lây lan.

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư cho một ha sắn khoảng 20 triệu đồng, trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ 4 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy, nên hầu hết người dân có diện tích trồng sắn bị bệnh chỉ phun thuốc, chứ không chịu tiêu hủy do tâm lý tiếc của, nên dịch bệnh ngày càng lan rộng như tình trạng hiện nay, ông Ân cho biết thêm.

Để công tác phòng chống bệnh dịch khảm lá trên cây sắn đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá cây sắn tỉnh Tây Ninh thống nhất điều chỉnh kinh phí hỗ trợ cho nông dân trồng sắn lên 6,2 triệu đồng/ha (thay vì 4 triệu đồng/ha trước đây), đồng thời bổ sung định mức hỗ trợ cho diện tích bị nhiễm dưới 30% (thay vì 30% trở lên như trước đây), nhằm khuyến khích người dân có diện tích cây sắn bị bệnh tổ chức tiêu hủy theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục