Tây Ninh kỳ vọng xây dựng thành công mô hình “thành phố thông minh” trong tương lai

21:36' - 10/01/2017
BNEWS Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết TP. Tây Ninh được tỉnh chọn làm thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa toàn diện.
 Hệ thống cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN

Chiều ngày 10/1, UBND thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (SCIS), tập đoàn tư vấn toàn cầu Frost & Sullivan (Hoa Kỳ), tập đoàn tư vấn CPG (Singapore) và các chuyên gia nguyên cứu về các dịch vụ công đến từ trường Đại học San Francisco State (Hoa Kỳ), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Từ Chính phủ điện tử đến quản trị thông minh”, nhằm tìm ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách các thủ tục hành chính.

Phát biểu tại Hội thảo Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, Nguyễn Hoàng Nam đã thẳng thắn nhìn nhận trực diện công tác ứng dựng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian vừa qua đã có nhiều cải tiến nhưng đó chỉ đạt bề nổi, còn mức độ hiệu quả của công việc vẫn chưa đạt theo như mong muốn.

Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh còn cho biết, TP. Tây Ninh được tỉnh chọn làm thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa toàn diện, với mục tiêu mong muốn xây dựng thành công chính quyền điện tử đến quản trị dịch vụ công thông minh để tiến đến tương lai xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành “thành phố thông minh”.

Đánh giá về mục tiêu của hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, dự án xây dựng quản trị thông minh trong quản lý hành chính là hoàn toàn có thể triển khai thành công, vì hiện tại Tây Ninh đã xây dựng và vận hành thành công cơ sở dữ liệu dân cư. Với cơ sở dữ liệu này, có thể lập ngay danh sách từng dân tộc, tôn giáo, theo từng độ tuổi, từng địa bàn, tuỳ theo sự lựa chọn và rất linh hoạt. Qua hai lần bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào năm 2011 và 2016, dữ liệu dân cư đã cung cấp danh sách thường trú để từ đó UBND cấp xã tổ chức rà soát, lập danh sách cử tri và in thẻ cử tri.
Với kết quả của việc tích hợp dữ liệu chuyên ngành đã tạo ra được một số kết quả bất ngờ nhờ khai thác được thông tin chính xác và nhanh chóng; cảnh sát tuần tra và cảnh sát điều tra có thể tra cứu thông tin tức khắc các đối tượng để ứng xử kịp thời; chuyển đổi dần tác phong làm việc thủ công của cán bộ chiến sĩ cấp xã sang công nghệ thông tin.

Hiện tại phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu dân cư do Công an tỉnh xây dựng đã sẵn sàng tích hợp dữ liệu hộ tịch, dữ liệu dân cư trong việc thực hiện các thủ tục như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và khai tử.

Cụ thể, đối với đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp cấp phường, xã chỉ cần vào dữ liệu dân cư qua máy chủ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu là có thể xác định; đối với việc đăng ký khai sinh cho con, hệ thống sẽ cho biết thông tin cha và mẹ để cán bộ tư pháp kiểm tra, sau đó cập nhật thông tin người con và cha mẹ trong dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư. Ngoài ra, dữ liệu sẽ cung cấp cho cơ quan bảo hiểm y tế danh sách trẻ dưới 6 tuổi để thực hiện bảo hiểm y tế và cung cấp cho ngành Giáo dục danh sách trẻ em 6 tuổi để huy động ra lớp 1. Đối với việc khai tử, cán bộ tư pháp cấp phường, xã chỉ cần chọn tên người chết trong dữ liệu dân cư, đánh máy ngày chết và thông tin người nhà đến khai báo, phần mềm sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư.

Ông Shivaji Das, Trưởng nhóm nghiên cứu toàn cầu về chính sách công, thuộc tập đoàn tư vấn toàn cầu Frost & Sullivan (Hoa Kỳ) nhận định, về góc độ quản lý chi tiêu công của Chính phủ ở các nước trên toàn thế giới được đánh giá là một trong những đơn vị sử dụng tiền ngân sách nhiều nhất, vì nó là đầu tàu để phát triển đất nước. Tại Việt Nam, hiện Chính phủ đang sử dụng ngân sách công khoảng 30% trên tổng số chi tiêu của Quốc gia hằng năm; bởi vậy, việc xây dựng mô hình “thành phố thông minh” là hết sức cần thiết, vì một khi triển khai đồng độ thì mức độ chi tiêu công thực tế ở một số nước đã triển khai đã giảm đáng kể từ 20% trở lên. Hiện tại có trên 10 thành phố lớn trên toàn thế giới xây dựng thành công mô hình “thành phố thông minh”, cụ thể tại Đông Nam Á đã xây dựng thành công tại Malaysia và Singapore.

Giáo sư Chung Hoàng Chương đến từ Trường Đại học San Francisco State (Hoa Kỳ) cho biết, đứng về tầm nhìn nghiên cứu quốc tế từ nay đến năm 2030 thì phần lớn dân số (có trên 70%) sẽ phân bố vào trong những trục đô thị; cụ thể, tại một số thành phố của các nước lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tạo thành nhiều trục dân cư lớn; khi nhìn vào địa hình, địa dư của tỉnh Tây Ninh cho thấy tỉnh đã có những đặc điểm sơ khai để tạo thành các trục dân cư lớn, một phần định hướng sẽ tập trung về thành phố Tây Ninh và một phần sẽ tập trung ở khu vực biên giới kết nối với các cửa khẩu quốc tế, tạo đầu mối giao thương lớn cho trong khu vực và thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục