Tây Ninh tập trung giảm nợ quá hạn nguồn vốn chính sách

21:20' - 27/10/2022
BNEWS Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đang tập trung xử lý các nợ đến hạn, nợ quá hạn, kéo giảm nợ xấu và triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.

Chiều 27/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh tổ chức triển khai nhiệm vụ đến cuối năm 2022; trong đó, xác định việc tập trung xử lý các nợ đến hạn, nợ quá hạn, kéo giảm nợ xấu và triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng là những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, phấn đấu đến cuối năm 2022 toàn tỉnh sẽ duy trì nợ quá hạn ở mức dưới 0,25%/tổng dư nợ; tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt trên 90%; tỷ lệ giải ngân, thu lãi, thu nợ gốc tại điểm giao dịch xã đạt trên 96% và 100% điểm giao dịch xã, phường, thị trấn xếp loại tốt, không có xã đạt loại trung bình và yếu.

 

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ quá hạn là trên 9,3 tỷ đồng (chiếm 0,29% tổng dư nợ); nợ khoanh là trên 12,4 tỷ đồng (chiếm 0,38% tổng dư nợ); tăng 1,8 tỷ đồng so đầu năm. Cụ thể, toàn tỉnh có 839 hộ vay đi khỏi nơi cư trú với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng, tăng 170 hộ/3,5 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó: có thông tin địa chỉ cụ thể là 18 hộ/323 triệu đồng; có thông tin địa chỉ không cụ thể là 29 hộ/659 triệu đồng; không có thông tin là 792 hộ/14 tỷ đồng.

Lý giải về vấn đề nợ quá hạn, ông Lê Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh – Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hòa Thành cho biết, nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn gia tăng tại thị xã Hòa Thành là do các hộ dân vay vốn từ nguồn chính sách đã bán nhà đi nơi khác khá nhiều, nên gặp khó khăn trong xác minh, thu hồi nợ. Sắp tới thị xã Hòa Thành sẽ tiếp tục rà soát tổng thể số hộ vay này và phối hợp với các ngành quyết liệt để thu hồi nợ, phấn đấu đến cuối năm 2022 chỉ còn 0,3% nợ quá hạn/tổng dư nợ (cuối tháng 9/2022 là 0,53%/tổng dư nợ).

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 3.580 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; giúp 741 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn để theo học đại học, cao đẳng và học nghề.

Nguồn vốn còn giúp 3 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho 10.710 lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID–19; tạo điều kiện cho 6.427 lao động có việc làm tăng thêm thu nhập.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh – Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong đề nghị, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh và Ban đại diện các huyện, thị xã, thành phố Tây Ninh từ nay đến cuối năm 2022 cần tập trung xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn; coi trọng công tác thu nợ, thu lãi; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, tích cực huy động, khai thác các nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay cho đối tượng thụ hưởng.

Cụ thể, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tổ chức điều tra kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân, đảm bảo 100% đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Phát huy vai trò của Trưởng ấp, khu phố đại diện cho chính quyền cơ sở tham gia giám sát ngay từ khi bình xét cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý tốt hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trong 9 tháng năm 2022, tổng doanh số cho vay từ các chương trình tín dụng ưu đãi đạt gần 861 tỷ đồng; doanh số thu nợ là trên 510 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 3.266 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021 đạt 98,3% kế hoạch năm 2022, với 110.674 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm 34,58% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt trên 2.976 tỷ đồng, tăng 11,67% so với đầu năm; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt trên 297 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng so với năm trước, chiếm tỷ trọng 9,1% trong tổng nguồn vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục