Tây Ninh trình diễn máy bay không người lái phun thuốc cây trồng

17:11' - 25/05/2019
BNEWS Dù mới chỉ là thử nghiệm bước đầu nhưng nhiều hộ nông dân ở Tây Ninh háo hức với việc áp dụng máy bay phun thuốc điều khiển từ xa.
Cán bộ Công ty Nông nghiệp Xanh và Xanh trình diễn máy bay không người lái phun thuốc trên cánh đồng sắn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Cánh đồng sắn ven tỉnh lộ ĐT 785 ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu có gần 100 nông dân và người dân hiếu kỳ đến xem trình diễn máy bay xịt thuốc.

Chiếc máy bay xịt thuốc được các kỹ thuật viên Công ty Nông nghiệp Xanh và Xanh (tỉnh Long An) điều khiển.

Chiếc máy cất cánh rồi bay lướt nhẹ qua cánh đồng sắn với những làn sương phun bám đều trên toàn bộ lá và cây.

Chỉ trong vòng 30 phút, toàn bộ diện tích sắn rộng 1 ha được phun thuốc xong khiến nhiều người dân trầm trồ thích thú.

Đây là lần thứ 2, anh Trần Văn Giới ngụ huyện Tân Châu, Tây Ninh tìm đến để tận mắt xem trình diễn mô hình xịt thuốc bằng máy bay.

Anh Giới cho biết, sở dĩ anh quan tâm mô hình này vì gia đình anh thường rất khó khăn mỗi khi xịt  thuốc cho 10 ha mía và sắn. Bởi, chủ yếu diện tích cây trồng của gia đình đều nằm ở vùng sâu, công phun xịt thuê mướn khó khăn.

“Cái khó lớn nhất là kiếm thuê được nhân công xịt, đó là chưa kể đến chuyện phải vận chuyển vất vả một lượng nước rất lớn. Trong lúc xịt, có nhiều nhân công xịt không đều tay hoặc không tận tình nên chỗ có thuốc chỗ không, nên việc phòng trừ sâu bệnh kém hiệu quả”, anh Giới nói.

Nói về máy bay xịt thuốc, anh Giới chia sẻ, ban đầu, anh nghĩ nếu tưới bằng máy bay sẽ dễ bị xịt trùng thửa nếu người xịt không nhớ chính xác thửa đã xịt qua. Nhưng thực tế thì người điều khiển lập trình sẵn đường bay nên thửa tưới rất chính xác.

Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng sắn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Cũng theo anh Giới, nếu xịt bằng tay 1 ha cây trồng phải tốn đến 15 bình thuốc, trong khi nếu xịt bằng máy điều khiển chỉ cần tốn khoảng 7-8 bình, tiết kiệm được rất nhiều thuốc.

Thu được kết quả thực tế từ trên ruộng của gia đình mình, bà Lê Xuân Nguyệt, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho hay, gia đình bà có 4 ha sắn.

Cách đây 1 tháng 20 ngày, gia đình bà cho phun thử nghiệm mô hình này trên nửa diện tích, nửa còn lại bà thuê nhân công xịt tay.

Sau 20 ngày, kiểm tra lại bà nhận định diện tích phun bằng máy bay đạt hiệu quả cao hơn, cây sắn tiếp thu lượng thuốc nhiều hơn.

“Khi xịt bằng máy bay, lượng thuốc được phun đều hạt hơn nên cây hấp thụ nhanh và hiệu quả do đó cũng cao hơn”, bà Nguyệt nhận định.

Phân tích thêm về lợi ích của phương pháp này, ông Phạm Xuân Phong, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Xanh và Xanh cho biết, khi phun bằng máy bay thuốc được phun đều, phun đủ cả 2 mặt lá của cây trồng.

Điều này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trên diện tích lớn, trồng trọt tập trung cho một loại cây trồng.

Trong khi đó, người dân không phải trực tiếp bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe từ thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun xịt.

Cũng theo ông Phong, so với phương pháp phun xịt thủ công, hiệu quả phun bằng máy gấp 10 lần.

Tức là khi nông dân hoàn thành được 1 ha thì chiếc máy sẽ làm được 10 ha trên cùng một thời gian. Ngoài ra, chiếc máy có thể xịt được ban đêm dễ dàng vì có hệ thống đèn.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh phân tích, hiện số hộ nông dân sản xuất diện tích lớn ở Tây Ninh còn ít, chủ yếu từ 5 ha trở xuống.

Trong khi đó giá thành của chiếc máy bay không người lái phun thuốc hiện nay so với mức thu nhập của nông dân còn chênh lệch quá lớn. Đây là điều đắn do của nông dân khi bỏ số tiền lớn ra để đầu tư.

Theo ông Hận, mô hình này chỉ phù hợp cho các hợp tác xã nông nghiệp, tổ liên kết sản xuất để áp dụng cho các cánh đồng lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục