Xây dựng kịch bản ứng phó với dịch tả lợn châu Phi theo từng tình huống cụ thể

16:17' - 25/05/2019
BNEWS 18 tỉnh, thành phố thuộc hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó với dịch tả lợn châu Phi theo từng tình huống cụ thể.
Quang cảnh Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía Nam. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh ở các tỉnh phía Nam, vì vậy 18 tỉnh, thành phố thuộc hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó với dịch tả lợn châu Phi theo từng tình huống cụ thể.

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu phi các tỉnh phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25/5.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho tới nay dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất cho ngành chăn nuôi thế giới và cả Việt Nam.

Mặc dù virut dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện gần 100 năm, gây bệnh ở cả 5 châu lục trên trái đất nhưng cho đến nay vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc điều trị.

Thêm vào đó, virut dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, lây lan qua nhiều hình thức phức tạp nên việc kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hình trước mức độ nguy hiểm và chủ động thực hiện phòng, chống dịch sớm nhưng diễn biến dịch tả lợn châu Phi ngày càng khó lường.

Những ngày gần đây dịch tiếp tục lan nhanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các ổ dịch tuy xuất hiện nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi nhưng trải rộng ở nhiều tỉnh khiến công tác khoanh vùng, dập dịch khó khăn và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên quy mô vùng.

“Tất cả tỉnh, thành phía Nam đã xảy ra hay chưa có dịch tả lợn châu Phi đều phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương cho từng giai đoạn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Mỗi địa phương phải xác định: phòng dịch hơn dập dịch, dập dịch như diệt giặc để thực hiện hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và xử lý ổ dịch. Địa phương nào phát hiện có lợn chết thì lập tức tiêu hủy ngay mà không cần đợi xét nghiệm hay báo cáo cấp trên và người đứng đầu các địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng chống, xử lý dịch bệnh ở địa phương mình. Kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đã giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu thì công tác phòng chống dịch được triển khai rất hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Ông Bạch Đức Lữu, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6 nhận định, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan tại các tỉnh, thành phố phía Nam, bao gồm: Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là rất cao do đang ở thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa, các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát.

Vì vậy, mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong toàn khu vực.

Đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng lợn lớn mà chỉ xâm nhập vào các cơ sở không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học.

Điều này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Theo ông Bạch Đức Lữu, khu vực phía Nam là một trong những khu vực trọng yếu của ngành chăn nuôi lợn cả nước với tổng đàn lợn lên tới gần 6,5 triệu con, chiếm 23% tổng đàn lợn cả nước.

Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi lợn xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến, mật độ chăn nuôi rất cao, gây khó khăn rất lớn cho phòng, chống dịch bệnh.

Số cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh còn thấp so với tổng số trang trại chăn nuôi lợn trong khu vực (chỉ chiếm 13,1%) và so với tổng đàn lợn trong khu vực (chỉ chiếm 18,5%).

Một số hộ chăn nuôi lợn vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt, đặc biệt là sử dụng trong chăn nuôi lợn rừng.

Thêm vào đó, một số địa phương vẫn chưa làm tốt việc kiểm soát giết mổ; vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra thường xuyên, đặc biệt cơ sở giết mổ lậu chuyên thu gom lợn chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc để giết mổ, đưa vào các quán ăn để tiêu thụ khiến lây lan mầm bệnh.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu phi trên địa bàn thành phố Đồng Xoài (Bình Phước). Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Việc kiểm dịch vận chuyển động vật chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông còn thiếu; không có khu vực nuôi nhốt cách ly động vật và nơi lưu giữ sản phẩm động vật.

Một số địa phương trong khu vực đã thực hiện việc sáp nhập hệ thống thú y các cấp khiến nguồn nhân lực bị cắt giảm, dẫn đến tình trạng không có đủ công chức, viên chức để thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động thú y khác.

Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi thời gian tới, Chi cục Thú y vùng 6 khuyến cáo các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, đường giao thông, làm sạch môi trường nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh.

Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chú ý rà soát các tuyến đường thủy có thể vận chuyển lợn ra, vào địa bàn để thành lập các tổ kiểm tra lưu động hoặc các chốt kiểm tra, kiểm soát trong địa bàn; kịp thời phát hiện các trường hợp vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm thịt lợn có nguy cơ mang gây bệnh.

Mặt khác, công tác truyền thông cần thông tin rộng rãi và kịp thời những chính sách hỗ trợ cho chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo quy định để người dân chủ động thông báo cho chính quyền, cơ quan thú y khi lợn có biểu hiện bệnh, góp phần thực hiện phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Về lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Cập nhật mới nhất của Cục Thú y, đến sáng ngày 25/5, cả nước có 42 tỉnh, thành phố ghi nhận trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi, số lợn phải tiêu hủy là hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng số đàn lợn cả nước; riêng khu vực phía Nam đã có 8 tỉnh xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy hơn 4.800 con lợn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục