Techcombank và tham vọng vốn hóa 20 tỷ USD

09:00' - 13/05/2021
BNEWS Vốn hóa 20 tỷ USD là tham vọng không nhỏ với một ngân hàng tư nhân như Techcombank khi chưa từng có doanh nghiệp Việt nào đạt giá trị này. Tuy nhiên, khó không phải là không thể!

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) vừa có màn bứt phá ngoạn mục trên thị trường chứng khoán trong nước, khi bất ngờ vươn lên thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên sàn chứng khoán và lớn thứ 2 nếu chỉ tính riêng nhóm ngân hàng.

* Sự lạc quan thể hiện thông qua giá cổ phiếu

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho thấy trong nhóm 10 mã chứng khoán đang có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường thì có tới một nửa là cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, giá trị vốn hóa của Techcombank tính đến hết phiên giao dịch ngày 10/5 là 168.600 tỷ đồng (tương đương hơn 7 tỷ USD), chỉ xếp sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 363.800 tỷ đồng (gần 16 tỷ USD).

Giới đầu tư cho rằng đây là những tín hiệu đầu tiên cho thấy Techcombank đang hiện thực hóa tham vọng vốn hóa 20 tỷ USD mà Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Hùng Anh tiết lộ tại Đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Giá trị vốn hóa của Techcombank lần đầu vượt qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã BID) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã CTG) kể từ ngày 7/5.

Sự kiện vốn hóa Techcombank vượt BIDV xảy ra sau khi hai cổ phiếu này diễn biến trái chiều nhau trong một thời gian khá dài. Từ đầu năm đến nay, BID đã giảm giá khoảng 15% xuống còn 40.650 đồng/cổ phiếu (kết phiên 7/5) trong khi TCB lại tăng 45% lên mức 47.050 đồng/cổ phiếu.

Nhìn lại 6 tháng gần đây, TCB cũng là một trong những mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán. Trước tuần giao dịch gần nhất (4-7/5), thị giá TCB đã tăng một mạch từ vùng 20.000 đồng/cổ phiếu, lên vùng 41.000 đồng/cổ phiếu trong chưa đầy nửa năm, tương đương mức tăng ròng hơn 100% giá trị.

Mới đây, Ngân hàng JPMorgan Chase còn nâng định giá cổ phiếu TCB từ 45.000 lên 55.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức định giá cao nhất từ trước tới nay đối với cổ phiếu TCB của JPMorgan Chase.

Những biến động trên cũng xuất phát từ kết quả kinh doanh đầy lạc quan của Techcombank trong quý I vừa qua khi ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng đến 79% so với cùng kỳ, đạt mức 4.476 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 28% chỉ tiêu đề ra.

Trong khi đó, BIDV lại ghi nhận lợi nhuận khá khiêm tốn, chỉ ở mức 2.722 tỷ đồng. Vietcombank và VietinBank lần lượt báo lãi gần 7.000 tỷ đồng và 6.471 tỷ đồng sau thuế.

* Khó không phải là không thể

Nếu so sánh với ngân hàng top 1 về giá trị vốn hóa hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietcombank thì Techcombank vẫn còn một khoảng cách khá lớn, lên tới hơn 195.000 tỷ đồng. Đây là một quãng đường không phải ngày một ngày hai có thể hoàn thành.

Do đó, khi nhắc tới tham vọng vốn hóa 20 tỷ USD, nhiều nhà đầu tư quan ngại tính khả thi của mục tiêu này. Bởi cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam đạt được quy mô vốn hóa này.

Tuy vậy, mục tiêu giá trị vốn hóa thị trường 20 tỷ USD mà Techcombank đề ra nằm ở tương lai, tức là vào năm 2025. Vốn hóa của Techcombank từ mức 5 tỷ USD năm 2020, đã lên tới 6 tỷ USD tại thời điểm tháng 4/2021 và đạt hơn 7 tỷ USD tại ngày 10/5.

"Đây là những con số cho thấy bước đi bền vững của Techcombank. Hiện Techcombank cũng được nhìn nhận đúng hơn trên thị trường chứng khoán với giá cổ phiếu TCB phản ánh đúng đắn hơn sức khoẻ và lợi thế của Techcombank", ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh.

Mặt khác, Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner khẳng định với việc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 23-25%/năm thì trong 5 năm tới Techcombank hoàn toàn có thể đạt được mức vốn hoá 20 tỷ USD.

"Với một ngân hàng lớn, vốn hóa khá cao như Techcombank, việc duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm trong 4-5 năm liên tiếp không phải chuyện dễ, nhất là sau khi ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận kép lên tới 58% trong 5 năm qua, một kết quả mà không một ngân hàng ở quy mô trung bình vừa đến lớn đạt được. Tuy vậy, với các điều kiện và lợi thế đang có, chúng tôi tin mình có thể làm được”, ông Jens Lottner lạc quan.

Giai đoạn 2016-2020, Techcombank đã liên tiếp tạo kỷ lục lợi nhuận, giữ vị trí số 1 ở chỉ tiêu này trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân; chuỗi 22 quý tăng trưởng doanh thu liên tiếp được nối dài.

Giai đoạn 2021-2025, Techcombank sẽ tập trung vào các nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất như cho vay mua nhà, bất động sản và phát huy thế mạnh như phân khúc khách hàng thu nhập cao. Cùng với đó, ngân hàng sẽ tiếp tục đa dạng hoá nguồn thu, tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai như cho vay SMEs,... Mục tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giai đoạn này ước tính khoảng 20%.

Năm 2021, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với kết quả năm 2020. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt gần 356.200 tỷ đồng, tăng trưởng ít nhất 12% so với năm ngoái và trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Giá trị huy động vốn đạt 334.291 tỷ đồng, tăng trưởng ít nhất 14,7% và phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế.

Với đà tăng trưởng trên, lợi nhuận "tỷ đô" được dự báo là nấc thang không xa với Techcombank trong một vài năm tới. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD của ngân hàng này./.

>>>"Chú kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam

>>>Giấc mơ Việt trên bản đồ ô tô thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục