Tết tháng Bảy ở vùng cao Lào Cai níu chân du khách

08:27' - 07/08/2019
BNEWS Ở Lào Cai, tháng bảy âm lịch hằng năm là thời điểm các tộc người trên địa bàn nô nức đón cái tết mang đậm bản sắc với phong tục truyền thống.
Bản Tả Van nằm chen lẫn giữa những thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Mytour

Không chỉ có nét đẹp hoang sơ của nương rẫy, sự kỳ vĩ của núi non, kho tàng văn hóa của người dân bản địa mới thật sự là kho báu vô giá của vùng cao Lào Cai. Đặc biệt, nét đẹp văn hóa riêng có ấy thể hiện đậm nhất mỗi khi các thôn bản đón lễ, tết truyền thống của dân tộc mình.

Ở Lào Cai, tháng bảy âm lịch hằng năm là thời điểm các tộc người trên địa bàn nô nức đón cái tết mang đậm bản sắc với phong tục truyền thống, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt các du khách quốc tế.

Tả Van (Sa Pa) - một trong những điểm du lịch homestay nổi tiếng của Lào Cai nói riêng, Tây Bắc nói chung, là nơi tập trung đông đảo người dân tộc Giáy sinh sống. Đối với đồng bào dân tộc Giáy, tết Xịp Xí (còn gọi là Tết tháng Bảy) được coi là cái tết quan trọng hơn cả Tết Nguyên đán và Tết 3/3 âm lịch. Vì vậy nơi đây, cứ mỗi khi đến tháng bảy âm lịch, du khách lưu trú tại địa phương lại được dịp hòa chung, thưởng thức nét độc đáo của không khí Tết tháng Bảy rộn ràng của người bản địa.

Lần đầu tiên được ăn tết cùng người dân vùng cao, chị Arseniy Zorin (người Nga), một giáo viên tại trung tâm Tiếng Anh, sinh viên Đại học Hà Nội đang lưu trú ở homestay Anh Đức, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, chia sẻ: "So với nước Nga, Tết Việt Nam có rất nhiều điều khác biệt thú vị, đặc biệt là tết của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thể hiện rõ nét nhất sự thành kính của các gia đình đối với ông bà tổ tiên. Mỗi vật phẩm họ đặt lên bàn thờ làm lễ đều là sản phẩm họ sản xuất ra và tự tay làm".

Trải nghiệm được cùng làm bánh dậm với chủ nhà là hồi ức mà theo Arseniy Zorin là đẹp, thú vị nhất trong chuyến đi này.

Trong ngày rằm tháng bảy, người Giáy thường gói bánh dậm. Muốn có được chiếc bánh dậm ngon, Arseniy Zorin cùng các bạn trong đoàn đã theo chân bà Liềng Thị Chi - chủ nhà cô ở, đi hái lá chuối rừng. Bà Chi hướng dẫn Arseniy Zorin và mọi người chọn lấy những chiếc lá bánh tẻ to bản, lành lặn. Lá lấy về dóc bỏ phần cuống, chỉ lấy 2 dải lá hai bên sống rồi đem phơi, thường chỉ cần 1 nắng, cho lá mềm, dai, bánh mới có mùi thơm.

Bánh được làm từ bột gạo nếp Tả Van - loại gạo ngon nức tiếng Lào Cai, mang xay bột ướt. Sau khi xay bột, nước bột đó được đổ vào chiếc túi vải mỏng để lọc bỏ phần nước cho đến khi chỉ còn bột là được. Bà Chi cho Arseniy Zorin biết, cách làm bột này tuy kỳ công, nhưng khi được bột sẽ rất mềm, dẻo.

Cách gọi tên các loại bánh dậm phụ thuộc vào loại nhân bên trong như: Bánh dậm nhân đỗ, bánh dậm nhân lạc, gồm cả nhân mặn và ngọt. Đỗ sau khi ngâm nước nóng, đãi vỏ sẽ được đồ hoặc nấu chín, giã cho thật nhuyễn rồi xào lên. Nếu muốn làm nhân ngọt thì cho đường vào đỗ, đồng thời trộn một chút vào vỏ bánh.

Nếu làm nhân mặn, khi chảo nóng, phi hành khô thơm, xào thịt lợn ba chỉ băm, sau đó đổ đỗ vào xào cho ngấm mỡ rồi cho hạt tiêu, mắm muối vừa đủ. Đối với nhân lạc cũng vậy, lạc sau khi được rang chín, bỏ vỏ sẽ được mang đi giã, các công đoạn sau cách làm tương tự như nhân đỗ.

Arseniy Zorin cho biết, đồng bào còn trộn lẫn cả hai loại nhân đỗ, lạc với nhau, được một loại nhân rất thơm ngon.

Để bắt đầu gói bánh, bà Chi cùng Arseniy Zorin dùng một chút mỡ lợn xoa vào lòng bàn tay cho bột bánh không dính, nặn bánh hình tròn, cho nhân vào giữa bột, sau đó đặt vào mặt trái lá chuối. Bánh sau khi gói xong được xếp vào chõ, mang đi hấp, khoảng 30 phút là bánh chín.

Khi chín bánh được gắp ra, vuốt cho thẳng, những chiếc đầu tiên sẽ được đặt lên bàn thờ tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Theo Arseniy Zorin, tết ở Nga là dịp để gặp gỡ bạn bè, mọi người đón tết tại các điểm vui chơi công cộng, cùng mở rượu sâm - banh chúc nhau những điều tốt đẹp, chứ không có tục ở nhà để thờ cúng tổ tiên như Việt Nam.

Tương tự chị Arseniy Zorin, ông Stivi Cooke (người Úc) cũng đặc biệt tỏ ra thích thú với ngày Tết tháng Bảy của Việt Nam. Sang Việt Nam làm việc được 10 năm, ông cho biết mình từng sống và ăn tết với đồng bào người Thái, Mông, Dao, Tày, Giáy, Hà Nhì... và cảm nhận được rất nhiều điều thú vị.

"Họ có sự tôn kính rất cao về mặt tín ngưỡng, lễ tiết, đồng thời rất phóng khoáng về giải trí, vui chơi. Đặc biệt, tôi rất lấy làm ngưỡng mộ các thành viên trong gia đình khi họ ngừng công việc và cuộc sống riêng của mình để xúm lại với nhau chuẩn bị tết", ông Stivi Cooke cho biết.

Bên cạnh đó, đối với Stivi Cooke, tục lệ độc đáo nhất ở Bắc Hà, Lào Cai những ngày Tết tháng Bảy âm lịch là “Pây tái” (theo tiếng Tày), hay còn gọi là tục thăm và tặng quà cho bố mẹ vợ. Bắt đầu bước vào tháng bảy âm lịch, người Tày, Nùng Bắc Hà đã nhộn nhịp ăn tết.

Dịp này, tại homestay Hoan Triều Kha, thôn Na Hối, huyện Bắc Hà, ông Stivi Cooke thấy phụ nữ Tày, Nùng cùng chồng con sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên với một con vịt béo, một chục bánh dày, bánh chuối, chai rượu ngô đến chúc sức khỏe ông bà ngoại và cùng gia đình ăn bữa cơm thân mật, thưởng thức những món đặc sản của dân tộc, qua đó thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Không chỉ là nét đẹp văn hóa thể hiện bổn phận của phụ nữ Tày, Nùng sau khi lấy chồng, theo ông Stivi Cooke phong tục này cần được đồng bào gìn giữ, phát huy để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sinh thành của bố mẹ vợ. Đây còn là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết giữa mọi người với nhau.

Không chỉ có phong tục ngày lễ, tết, trong từng thửa ruộng nếp nhà ở miền rẻo cao Tây Bắc đều chứa đựng bản sắc văn hóa truyền đời của cộng đồng các dân tộc.

Bởi vậy, những năm gần đây, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có sự quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và bước đầu phục dựng những lễ hội tiêu biểu để giới thiệu, quảng bá tới du khách bốn phương.

Bản thân người dân bản địa cũng đã có ý thức chủ động, sáng tạo, biến những giá trị văn hóa phi vật thể ấy trở thành nét văn hóa đặc sắc gọi mời và níu chân du khách bốn phương mỗi dịp lễ, tết về./.

>>> Độc đáo những homestay ở “Đà Lạt” của vùng Tây Bắc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục