Tết vui với những người trồng tiêu ở Đồng Nai

13:31' - 07/02/2016
BNEWS Năng suất ổn định, giá cao nên cây tiêu trở thành “cây vàng”. Nhờ cây tiêu, nhiều nông dân Đồng Nai đã thành tỷ phú. Với người trồng tiêu, Tết Bính Thân 2016 vui và hạnh phúc hơn.

Những năm qua, giá tiêu luôn ở mức cao, đặc biệt, năm 2015, giá của sản phẩm này lên đến hơn 200.000 đồng/kg. Năng suất ổn định, giá cao nên cây tiêu trở thành “cây vàng”; nhờ cây tiêu, nhiều nông dân Đồng Nai đã thành tỷ phú. Với người trồng tiêu, Tết Bính Thân 2016 vì thế vui, hạnh phúc và ấm áp hơn. 

Mỗi vụ tiêu thu lãi từ 2 – 3 tỷ đồng 

Huyện Xuân Lộc là vùng trồng tiêu lớn nhất ở Đồng Nai. Riêng ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, nơi có gần 100% gia đình trồng hồ tiêu – dân vùng này gọi vui là ấp tỷ phú. Ông Lê Đình Thường (ấp Thọ Lộc) cho biết: "Tôi trồng tiêu đã được 18 năm, khoảng 5 năm qua, giá tiêu liên tục tăng, nhưng năm 2015 giá cao kỷ lục, có lúc đạt 250.000 đồng/kg. Ban đầu gia đình tôi chỉ trồng 5 sào tiêu, đến nay, diện tích tăng hơn 3,5 ha, mỗi vụ thu hoạch nhà tôi lãi trên 2 tỷ đồng. Nhờ cây tiêu mà giữa năm 2015 tôi xây được một ngôi nhà lớn trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng, mua xe ô tô gần 1 tỷ đồng." 

Nông dân chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Lê Sen-TTXVN

Ông Thường hồ hởi: “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, từ khi trồng tiêu, kinh tế ngày một khá giả. Tôi có 3 người con, 2 đứa đầu đã học xong, có việc làm ổn định, tôi đã mua cho mỗi đứa 1 ngôi nhà. Còn người con gái út đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, để tiện cho việc ăn ở, học tập của con, năm trước tôi mua cho nó một căn nhà ở thành phố. Tết Bính Thân 2016, gia đình tôi chi hàng chục triệu đồng để mua cây cảnh, đồ dùng về trang trí”. 

Theo người dân Xuân Lộc, trên địa bàn huyện có rất nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng tiêu. Những ấp như Gia Lào (xã Suối Cao), Thọ Lộc, Thọ Phước (xã Xuân Thọ) được người dân gắn cho cái tên “ấp của những tỷ phú hồ tiêu”. 

Hiện gia đình ông Nguyễn Xuân Hường (ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) có 4 ha tiêu. Thời gian qua, ông Hường đã không ngừng tìm tòi, áp dụng khoa học vào sản xuất, tiến hành trồng ghép thêm nọc tiêu nhỏ gần những cây tiêu trưởng thành để tạo ra những cây “tiêu đôi”. Vườn tiêu của gia đình ông nay được coi là vườn tiêu “kiểu mẫu” trên địa bàn huyện với năng suất trên 8 tấn/ha, thu nhập mỗi vụ trên 3 tỷ đồng. 

Ông Hường chia sẻ: “Trước đây tôi mở trang trại nuôi lợn, lợi nhuận mỗi năm trên dưới 300 triệu đồng. Sau đó, thấy tiêu được giá nên tôi bỏ hẳn nghề nuôi lợn, chuyển qua trồng loại cây này. Đến nay, vợ chồng tôi đã mua đất xây nhà cho cả 4 người con, tích góp được một số tài sản rất khá. Tết Nguyên đán 2016, gia đình tôi rất phấn khởi, chi một số tiền lớn mua cây mai, quất cùng nhiều vật dụng khác. Từ nay đến cuối đời, chúng tôi chẳng phải lo cái ăn cái mặc”. 

Những năm qua, nhiều loại nông sản ở nước ta thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, tuy nhiên, sản phẩm hồ tiêu lại vừa được mùa mà giá không ngừng tăng. Hiện tượng này là do hồ tiêu khác với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác ở chỗ có thể dự trữ được 2 – 3 năm mà chất lượng không hề suy giảm. Điều này giúp nông dân chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, dân trồng tiêu luôn có kho dự trữ, mỗi vụ thu hoạch họ xem xét giá rồi mới quyết định bán hay giữa lại. 

Ông Thường bộc bạch: “Hằng ngày tôi đều vào mạng internet để tham khảo giá tiêu trên thế giới và trong nước. Ngoài ra, tôi cũng đăng ký với tổng đài mạng điện thoại để nhận tin nhắn về giá cả hằng ngày. Khi thấy giá cao tôi mới quyết định bán”. 

Liên kết với doanh nghiệp, sản xuất tiêu sạch 

Dù hồ tiêu đang được coi là “vàng đen”, song tại Đồng Nai diện tích loại cây này đang tăng từng ngày. Theo quy hoạch đến năm 2020, Đồng Nai sẽ 10.000 ha hồ tiêu nhưng đến cuối 2015, toàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 14.000 ha tiêu. Sự phát triển diện tích hồ tiêu như trên đang thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến dư lượng hóa chất trong sản phẩm hồ tiêu Việt Nam luôn ở mức cao. Điều này dẫn đến nguy cơ hồ tiêu Việt Nam đánh mất thị trường, nhất là những thị trường khó tính. 

Thu hoạch hồ tiêu tại xã Bảo Quang, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Nhận thức được điều này, từ 2014 đến nay, nhiều nông dân ở ấp 3, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ đã tiến hành trồng tiêu theo quy trình GlobalGAP. Cách trồng tiêu “phải ghi nhật ký”, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ban đầu làm nông dân thấy khó, bở ngỡ nhưng nay đã xuất hiện nhiều tín hiệu vui. Ông Phạm Hà Xuân Chiên (ấp 3, xã Lâm San) cho biết: “Sản xuất tiêu theo GlobalGAP tôi giảm được chi phí sản xuất, năng suất vườn tiêu tăng, đạt gần 8 tấn/ha (trồng bình thường chỉ hơn 6 tấn/ha; vì là tiêu sạch nên giá bán cũng cao hơn giá tiêu thường khoảng 13.000 đồng/kg”. 

Không chỉ sản xuất tiêu sạch, nhiều nông dân cũng bắt tay với doanh nghiệp để hình thành nên những chuỗi sản xuất khép kín. Làm điều này, dân được doanh nghiệp cung cấp chế phẩm sinh học, sản xuất theo quy trình do công ty xây dựng nên năng suất cũng như chất lượng sản phẩm tăng cao và đồng nhất. Đặc biệt, công ty cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên người trồng không phải lo vấn đề đầu ra. 

Tết Bính Thân 2016 đã về, dân trồng tiêu ở Đồng Nai đón xuân trong không khí rộn rã, náo nhiệt hơn. Bằng việc áp dụng khoa học vào sản xuất, tiến hành liên kết, trông tiêu sạch, người trồng tiêu đang làm chủ “cuộc chơi”, tự quyết định sản phẩm mình làm ra. Đây cũng là hướng phát triển bền vững của nghề trồng hồ tiêu Việt Nam./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục