Thách thức cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam

08:55' - 07/06/2024
BNEWS Phát triển nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu, nếu thực hiện đúng cách sẽ mang lại nguồn thực phẩm sạch, góp phần giảm áp lực kinh tế, môi trường cho người dân.

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.

 

Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, Việt Nam hiện có 100 triệu dân; trong đó, cơ cấu cư dân thành thị tăng rất nhanh. Nếu năm 1990, tỉ lệ dân số thành thị là 19,51% thì con số này đã tăng lên 36,76% vào năm 2020. Dự báo tỉ lệ dân số thành thị ở Việt Nam sẽ vượt 50% sau năm 2030.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, quá tải hạ tầng, khói bụi từ khí thải tại các thành phố, các khu công nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường và sự thiếu hụt về cây xanh, thực phẩm sạch cho cư dân đô thị, chưa kể du lịch và khách vãng lai, sẽ là áp lực lớn. Để giải bài toán giúp người dân đô thị cân bằng lại cuộc sống, phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những giải pháp, một xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp đô thị mang lại lợi ích vô cùng to lớn như: Góp phần phủ xanh, tăng lượng ô xy trong khu vực đô thị, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho người dân,…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền, nhận định: Tuy nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), song luôn giữ vai trò rất quan trọng, không chỉ ở cung cấp lương thực thực phẩm, bảo vệ môi trường…mà còn đảm bảo tính ổn định về an sinh xã hội, đặc biệt khi có biến động về chiến tranh, khủng khoảng kinh tế, dịch bệnh.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, đô thị hoá là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho bốn mục tiêu tốt hơn gồm: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn.

Hiện nay các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hai hướng là mô hình nông nghiệp chính quy (được tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại, các vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành) và mô hình nông nghiệp phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi).

Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam chính là chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể, công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn đã và đang làm gia tăng các diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Hiệu quả của các mô hình nông nghiệp đô thị còn hạn chế do người dân chưa tiếp cận được nhiều công nghệ mới; thiếu sự gắn kết theo chuỗi sản xuất và cung ứng, thiếu cơ chế giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng vật tư sản xuất, nông sản và quy trình sản xuất. Sản xuất và tiêu thụ phần lớn mang tính tự phát và khả năng truy xuất nguồn gốc hạn chế làm cho mức độ tin cậy của người tiêu dùng vào sản phẩm chưa cao. Thêm vào đó, do tính thiếu ổn định của quy hoạch nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản vùng ven đô.

Để phát huy tiềm năng, lợi ích nông nghiệp đô thị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ khuyến nghị: Các địa phương khi quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường. Với điều kiện quỹ đất hạn hẹp thì để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,giảm giá thành, tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm chất thải, phát thải.

Về đầu tư, các địa phương có thể tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị của Tp. Hồ Chí Minh theo phương án cho vay vốn đầu tư và hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Tp. Hồ Chí Minh cũng có chủ trương hình thành các Trung tâm dịch vụ theo hướng “Một điểm đến - đa chức năng” rất phù hợp cho nông nghiệp vùng ven đô. Để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị, các địa phương có thể ứng dụng thương mại điện tử cho mô hình kết nối trực tiếp người sản xuất và khách hàng H2H (home to home), dễ dàng truy xuất nguồn gốc và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia cũng đề xuất phát triển mô hình nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp du lịch. Theo đó, phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp đô thị nói riêng gắn với du lịch là xu thế toàn cầu, nhất là tại các quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa với đa dạng sản phẩm địa phương OCOP như Việt Nam. Tại các điểm du lịch, ngoài việc giới thiệu về di tích, thắng cảnh, du khách còn có dịp thưởng thức cũng như mua sắm sản phẩm đặc sản; tham gia trải nghiệm sản xuất nông nghiệp địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục