Thách thức nào trong triển khai logistics xanh?

17:50' - 16/04/2024
BNEWS Ngày 16/4, tại Hà Nội, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo APEC về Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Nhằm đánh giá về cơ hội và thách thức khi triển khai hoạt động logistics xanh trong APEC, từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển logistics xanh ở cấp độ nền kinh tế và doanh nghiệp, ngày 16/4, tại Hà Nội, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo APEC về Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững.

 

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, logistics là lĩnh vực liên quan đến hoạt động dịch vụ, có vai trò quan trọng trong việc duy trì kết nối và thúc đẩy các dòng chảy kinh tế, thương mại, nhất là thương mại hàng hóa, dịch vụ.

Theo một nghiên cứu năm 2021 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), có tới 37% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là do vận tải, một trong những khâu quan trọng nhất của hoạt động hậu cần. Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh dự kiến sẽ tăng gấp 3 nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào năm 2050, dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi. Trong bối cảnh mới, phát triển bền vững và bao trùm là xu hướng của mọi nền kinh tế, phát triển logistics xanh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, tại nhiều nền kinh tế đang phát triển; trong đó, có Việt Nam, vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Khái niệm và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics xanh chưa được hiểu đầy đủ và chính xác. Do đó, để thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, điều quan trọng phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh.

“Xanh hóa logistics không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh và cho rằng, Hội thảo APEC về Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững được tổ chức là sự đóng góp của Chính phủ Việt Nam vào nỗ lực chung nhằm đạt được các mục tiêu của Bangkok về Nền kinh tế xanh sinh học (BCG) đã được Lãnh đạo APEC thông qua vào tháng 11/2022.

Bà Rebecca Orme - Giám đốc điều hành pháp lý khu vực Đông Nam Á của Fedex Express cho rằng, để ngành logistics xanh và tăng trưởng bền vững, trước hết các quốc gia, doanh nghiệp cần phải chủ động phối hợp xây dựng hệ sinh thái logistics xanh, không chỉ dừng lại ở trong phạm vi một nước mà còn vươn ra khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, quy mô thị trường xe điện trong khu vực ASEAN dự kiến sẽ tăng từ 0,86 tỷ USD năm 2023 lên 3,54 tỷ USD vào năm 2028 nên cần có khả năng và nguồn lực để đáp ứng sự phát triển này; trong đó, có vấn đề năng lượng, linh kiện, cơ sở hạ tầng...

Theo bà Rebecca Orme, để thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững các quốc gia cần tạo thuận lợi thương mại, giúp giảm chi phí vận chuyển xuyên biên giới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Mặt khác, các quốc gia cũng cần áp dụng công nghệ, tự động hóa các thủ tục hải quan, các giải pháp kỹ thuật số vào quá trình xanh hóa ngành logicstics.

Còn ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nếu doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị đào thải ra khỏi hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.

Chỉ ra những thách thức trong việc xanh hóa ngành logistics của doanh nghiệp trong nước, ông Ngô Khắc Lê cho rằng, trước hết đó là do nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về câu chuyện xanh hóa ngành logistics. Bên cạnh đó là nguồn lực về tài chính và thách thức về trình độ, năng lực; trong đó, quan trọng là vấn đề con người. Cuối cùng là vấn đề về công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng.

Đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy nhanh và toàn diện quá trình xanh hóa ngành logisctics, ông Ngô Khắc Lê cho rằng, cần thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh và truyền thông liên tục, duy trì thường xuyên với sự đồng hành hành của Chính phủ, cơ quan quản lý; trong đó, cần những chính sách cụ thể, rõ ràng, ví dụ như về chính sách thuế...

Ngoài ra cần khai thác tốt và hiệu quả hơn nữa giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển... vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung nên doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự tìm hiểu và tự cứu mình. Qua đó, vừa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục