Thách thức nguồn tài chính để chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh

12:03' - 17/08/2022
BNEWS Để thực hiện các cam kết, đến năm 2050, Việt Nam cần thêm (giá năm 2020) khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng biến đổi khí hậu, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về "0" vào năm 2050.
Quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững của Việt Nam muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo "Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh" do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 17/8. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, để hướng tới phát thải ròng bằng "0", tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040.

*Cần nguồn tài chính lớn

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, dự báo, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố: "Sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".

Để thực hiện các cam kết, đến năm 2050, Việt Nam cần thêm (giá năm 2020) khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng biến đổi  khí hậu, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về "0" vào năm 2050.

"Phần cam kết không kèm theo điều kiện là sử dụng các biện pháp chính sách và nguồn lực nhân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn vay thương mại và sự đóng góp đầu tư của người dân…", ông Phạm Văn Tấn nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như đã cam kết, vấn đề lớn nhất ở đây chính là nguồn lực thực hiện.

Về tổng thể, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố (CCDR) cho thấy, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng "0" có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.

Trong đó, riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử các bon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.

*Phải có cam kết hỗ trợ tài chính của nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Các tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới. Đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao như vậy là thách thức lớn. 

Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

"Tôi muốn lưu ý tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ năng lượng trên phạm vi toàn cầu (đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như Hydro, Amoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2,...), đồng thời phải nâng cao nhận thức về tính cấp bách của việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế ", ông Đặng Hoàng An nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc gợi mở, trong quá trình chuyển dịch năng lượng thời gian tới trước tiên cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhấn mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hướng đến tiêu dùng xanh, lối sống xanh, sử dụng các sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường.

Một yếu tố quan trọng khác được bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề cập tới là quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển.

Thực tế, đóng góp phát thải khí nhà kính của Việt Nam rất nhỏ, chỉ khoảng 0,8% so với tổng lượng phát thải của toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2019.

Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ về tài chính/kỹ thuật một cách thỏa đáng từ các đối tác phát triển để triển khai thành công lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục