Thách thức thu hẹp khoảng cách năng suất lao động

09:26' - 01/10/2015
BNEWS Theo báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng, bình quân đạt tốc độ 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 2005-2014.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp. Điều này cho thấy thách thức của Việt Nam trong việc bắt kịp năng suất lao động trong khu vực. Phóng viên Bnews đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.

Vẫn ở mức thấp so với khu vực

Phóng viên: Hiện nay, năng suất lao động Việt Nam đã có sự cải thiện tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, Tổng cục trưởng nhận định thế nào về tình hình này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Năm 2014, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 74,7 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.530 USD/lao động), tăng 4,9% so với năm 2013, bình quân giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7%/năm (theo giá so sánh năm 2010).

Khoảng cách tương đối về năng suất lao động của Việt Nam với các nước ASEAN được thu hẹp dần.

Nếu năm 1994, năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần năng suất lao động của Việt Nam (tính theo sức mua tương đương - PPP) thì đến năm 2013, khoảng cách này chỉ còn gấp 18 lần.

Tương tự, khoảng cách giữa năng suất lao động của Malaysia và Việt Nam giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; Thái Lan từ 4,6 lần xuống 2,7 lần…

Tuy nhiên, với khoảng cách như trên cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, tuy khoảng cách tương đối đã giảm, nhưng khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch mức năng suất lao động) giữa Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN ở trình độ phát triển cao hơn lại gia tăng trong giai đoạn trên.

Nếu giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 vừa qua thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan, trong khi khoảng cách với Trung Quốc lại ngày một gia tăng.

Điều này cho thấy thách thức và khó khăn nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất của các nước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê- Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS

Phóng viên: Chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu... có phải là những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực không, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Đúng vậy, đây chính là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm và còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp.

Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng còn chiếm tỷ trọng thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2013, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP của Việt Nam là 81,6%, trong khi của Malaysia là 90,7%; Philippines là 88,8%; Thái Lan 88%. Riêng Singapore gần bằng 100% GDP.

Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn. Chủ yếu là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Có tới trên 46% lao động của cả nước nhưng chỉ tạo ra khoảng 18% GDP.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động của Việt Nam còn thấp, có tới 81,8% tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Cơ cấu nguồn nhân lực cũng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Nhân lực được đào tạo trong các ngành kỹ thuật-công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Việc khai thác và sử dụng nhân lực đã qua đào tạo cũng chưa hiệu quả…

Gỡ điểm nghẽn thể chế

Phóng viên: Đổi mới thể chế kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực cũng như tạo ra môi trường kinh tế thuận lợi cho các chủ thể kinh tế hoạt động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Vậy theo Tổng cục trưởng, trong thời gian tới, việc này sẽ được thay đổi theo hướng nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm
: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” đòi hỏi thời gian tới Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách theo hướng đổi mới vai trò của Nhà nước từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước quản lý và kiến tạo, hoàn thiện và tôn trọng các quy luật của thị trường. Qua đó thực hiện phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực quốc gia nhằm nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của đất nước và do nhiều yếu tố chi phối như xuất phát điểm của đất nước, khoa học kỹ thuật... không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động. Vậy quan điểm của Tổng cục trưởng như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tất nhiên có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động như xuất phát điểm và qui mô nền kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật, chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực, hiệu quả sử dụng các nguồn lực…

Cũng phải thấy rằng, do nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá với tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 1990-2014 đạt 6,87%/năm, đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu có GDP năm 1990 khoảng 6,4 tỷ USD, xếp vị trí thứ 90 thế giới vươn lên xếp vị trí thứ 55 thế giới vào năm 2014 với GDP đạt 186,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực thì quy mô kinh tế Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tại thời điểm năm 2014, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam; Thái Lan gấp 2 lần; Malaysia gấp 1,8 lần; Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.

Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

Việc thu hẹp khoảng cách tương đối về năng suất lao động của Việt Nam với các nước là thành tựu

đáng ghi nhận. Nguồn: TTXVN

Tăng năng suất cho khối doanh nghiệp

Phóng viên: Xin Tổng cục trưởng cho biết, để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam cần những giải pháp gì trong thời gian tới, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.

Nghiên cứu từ điều tra doanh nghiệp cho thấy, tham gia vào thị trường toàn cầu, đổi mới sáng tạo, quy mô doanh nghiệp và trình độ quản lý của đội ngũ doanh nhân… là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu có năng suất lao động cao hơn 35% so với các doanh nghiệp không tham gia hoạt động này; có hoạt động nghiên cứu và phát triển có năng suất lao động tăng 19,3% so với doanh nghiệp không có hoạt động này.

Doanh nghiệp có từ 50-99 lao động có năng suất lao động cao nhất và cao hơn 50,6% so với nhóm có quy mô siêu nhỏ (thực tế hiện nay có tới 90% số doanh nghiệp chưa đạt được quy mô tối ưu để có được năng suất lao động cao nhất).

Doanh nghiệp mà người quản lý có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn sẽ có năng suất lao động tăng 0,17% so với trường hợp người quản lý chỉ có bằng cao đẳng hoặc thấp hơn.

Các giải pháp nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp cần tập trung sắp xếp lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các ngành nghề kinh doanh để có quy mô từ 50-99 lao động nhằm đạt năng suất lao động cao nhất; thực hiện chính sách tín dụng và thuế phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường toàn cầu và nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất.

Chính phủ và các Bộ, ngành cần nhận thức việc tạo lập chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; đồng thời, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để kịp thời đưa ra các giải pháp và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện để năng suất lao động Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

Thúy Hiền (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục