THACO AUTO duy trì sản xuất và xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô trong đại dịch

14:26' - 19/09/2021
BNEWS Dự kiến năm 2021, doanh thu xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí của Công ty đạt hơn 34 triệu USD, trong nước đạt hơn 500 tỷ đồng.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan rộng trên toàn cầu khiến không ít ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu bị đứt gãy, đối mặt với nguy cơ “đóng băng”, nhưng THACO AUTO vẫn duy trì sản xuất, đẩy mạnh cung ứng trong nước và xuất khẩu.

* Giá trị xuất khẩu 8 tháng tăng hơn 70%

Ông Nguyễn Quang Bảo, Tổng Giám đốc THACO AUTO cho biết, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua đến nay, tại khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng và cơ khí THACO (Quảng Nam) thuộc THACO AUTO, các nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

Dự kiến năm 2021, doanh thu xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí của Công ty đạt hơn 34 triệu USD, trong nước đạt hơn 500 tỷ đồng.

Mặc dù dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thời gian qua có nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu vẫn tăng về lượng lẫn giá trị. Trong 8 tháng năm 2021, Công ty đã xuất khẩu hàng loạt sản phẩm sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Campuchia... với tổng giá trị xuất khẩu đạt 21 triệu USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2020.

Ngoài ra, Công ty cũng đang tập trung sản xuất các đơn hàng lớn để xuất khẩu sang nhiều thị trường mới như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Israel, Canada...

Đối với thị trường trong nước, THACO AUTO đã phát triển sản phẩm phù hợp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng và cơ khí cho nhiều hãng ô tô, xe máy và các doanh nghiệp FDI như Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio, Amann, Makitech... với doanh thu 8 tháng năm 2021 tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2020.

Đặc biệt, trước yêu cầu cấp thiết về vật tư, trang thiết bị trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty đã nghiên cứu sản xuất linh kiện, thiết bị, hệ thống phụ trợ cho các xe chuyên dụng như xe vận chuyển vaccine, xe xét nghiệm lưu động, xe tiêm chủng cơ động, xe cấp cứu, xe chụp X-quang và siêu âm lưu động… cùng nhiều máy móc, thiết bị vừa hỗ trợ phòng, chống dịch vừa cung ứng cho các đối tác trong lĩnh vực y tế.

* Khai thác lợi thế, tạo đà phát triển

Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và những khó khăn trong vận chuyển như thiếu container rỗng, giá cước cao, ùn tắc tại các cảng đang là những điểm nghẽn gây cản trở cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Để đảm bảo sản xuất, THACO AUTO đã chủ động tìm thêm nguồn cung nguyên liệu trong và ngoài nước, đàm phán với các đối tác để giữ mức giá ổn định.

Đặc biệt, với nền tảng công nghệ hiện đại và chuỗi giá trị trọn gói từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến sản xuất và cung ứng là cơ sở quan trọng để công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tạo lợi thế cạnh tranh. Công ty cũng đã tích cực chuyển đổi số, phát triển thị trường và mở rộng kinh doanh thông qua nền tảng thương mại điện tử và giao thương trực tuyến.

Bên cạnh đó, Công ty có nhiều lợi thế trong giao nhận - vận chuyển khi nằm gần các cảng lớn như cảng Đà Nẵng, cảng Chu Lai, cảng Dung Quất… thuận tiện cho xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Công ty Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế THILOGI (thuộc THACO) với chuỗi dịch vụ trọn gói từ vận chuyển đường bộ nội địa, xuyên biên giới đến vận tải biển, hỗ trợ tích cực cho lưu thông hàng hóa.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Công ty đã có các giải pháp chủ động phòng dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu công nghiệp, tất cả nhân sự trực tiếp sản xuất được tiêm vaccine; đồng thời xây dựng phương án sản xuất và cung ứng linh hoạt. 

Ông Nguyễn Quang Bảo cũng cho hay, hiện nay Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại và các công ty đa quốc gia mở rộng tìm đối tác liên doanh, liên kết, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp. Nắm bắt xu thế này, THACO AUTO đã liên kết với các doanh nghiệp FDI để cung cấp linh kiện OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc); kết nối với các tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Đồng thời nghiên cứu xu thế hợp tác giữa các nền kinh tế lớn Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Canada, EU để phát triển kinh doanh; tìm hiểu chính sách áp và ưu đãi thuế giữa các nước để tiếp cận các thị trường tiềm năng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục