Thái Bình xây dựng kịch bản giảm tốc độ tăng của khu vực nông nghiệp

17:52' - 27/04/2019
BNEWS Trước những khó khăn của ngành nông nghiệp, Cục Thống kê đã tham mưu xây dựng kịch bản kinh tế và theo đó, giảm tốc độ tăng của khu vực nông nghiệp từ 3,2% xuống 2,57% và có thể giảm nữa.

Trước những dự báo kinh tế trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức và nhất là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, Cục Thống kê tỉnh Thái Bình đã tham mưu xây dựng kịch bản kinh tế của tỉnh và theo đó, giảm tốc độ tăng của khu vực nông nghiệp từ 3,2% xuống 2,57% và có thể giảm nữa.

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Bình xung quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Bình, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Xin ông cho biết khái quát về những thành tựu nổi bật của tỉnh Thái Bình trong những tháng đầu năm?

Cục trưởng Nguyễn Bình: Với đà tăng trưởng của 3 năm 2016, 2017, 2018 (năm 2018 là 10,53%), Thái Bình luôn có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số; một số mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra.

Vì vậy, quý I/2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thái Bình đạt 9,33%; trong đó, khu vực nông lâm thủy sản đạt 2,85%, khu vực công nghiệp xây dựng đạt 15,70%, khu vực dịch vụ đạt 7,28%.

Khu vực công nghiệp xây dựng vẫn là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Thu ngân sách đạt kết quả tốt; trong đó, thu nội địa đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tạo ra làn sóng thu đầu tư ngoạn mục ngay từ đầu quý I/2019 và cùng với đó là các dự án lớn như: bệnh viện quốc tế 1.000 giường của Tập đoàn FLC; dự án đường ven biển dài 34,42 km,chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp nông nghiệp Lộc trời - Thaco...

Đồng thời, đẩy mạnh về đích của chương trình nông thôn mới, dự kiến trong năm 2019 có 27 xã tiếp tục về đích nông thôn mới, đến nay đã có 6 xã hoàn thành.

Phóng viên: Trước những dự báo kinh tế trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, xin ông cho biết, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung vào những giải pháp nào để đạt được những mục tiêu đã đề ra?

Cục trưởng Nguyễn Bình: Hiện nay, thách thức lớn nhất của Thái Bình là dịch tả lợn châu Phi diễn ra phức tạp. Đến nay, tỉnh đã có 270/281 xã, phường có dịch.

Thái Bình cũng đã tiến hành tiêu hủy trên 150.000 con lợn, tương đương trên 7.500 tấn, kinh phí dự trù để hỗ trợ thiệt hại là gần 300 tỷ đồng.

Trước những khó khăn của ngành nông nghiệp, Cục Thống kê đã tham mưu xây dựng kịch bản kinh tế và theo đó, giảm tốc độ tăng của khu vực nông nghiệp từ 3,2% xuống 2,57% và có thể giảm nữa.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm 2019 từ 10% trở lên, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại.

Đồng thời, tạo điều kiện để sản xuất công nghiệp phát triển nhất là các dự án lớn, đẩy nhanh tiến độ sản xuất của dự án đầu tư công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh thu hút và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án của các nhà đầu tư chiến lược như: Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco Trường Hải), Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần sữa TH Truemilk.... Đồng thời, cải cách hành chính, phân công trách nhiệm, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức và cá nhân…

Phóng viên: Thông tin chung về dân số, tình trạng dân cư, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng nhà ở ... là những nội dung đã được tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Vậy, xin ông cho biết thực trạng về tình hình lao động, nhà ở hiện nay trên địa bàn tỉnh, có những bất cập gì?

Cục trưởng Nguyễn Bình: Hiện, Thái Bình có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung lao động. Theo số liệu hiện nay theo kết quả Tổng điều tra kinh tế, Thái Bình có 3.964 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, có tới 917 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ... chủ yếu là ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện chiếm 23,13% với số lao động là 126,7 nghìn lao động chiếm gần 70%.

Cơ cấu lao động chỉ tính sau 5 năm số lao động trong các doanh nghiệp đã tăng từ 30,29 % lên 38,09 % tăng bình quân mỗi năm 10.000 lao động.

Thái Bình có 1 khu kinh tế, 6 khu công nghiệp đang hoạt động, với diện tích 386 ha cần thu hút khoảng 55.000 lao động nên tỉnh đang có hiện tượng thiếu nguồn lao động, thu hút lao động từ tỉnh ngoài.

Không những thế, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Thái Bình còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 18%.

Lao động có độ tuổi trên 50 chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu lao động có việc làm so với các tỉnh xung quanh chiếm tới 42%. Trong khi đó, Nam Định là 38,4%, Hà Nam 36,2%, Hải Dương 35,2%, Hưng Yên 32,2%, Hải Phòng 32%.

Lao động trong ngành nông lâm thủy sản tuy có giảm nhưng vẫn cao so với các tỉnh khá, chiếm tới 39,5%, Nam Định là 33,5%, Hưng Yên 32,7%, Hải Dương 31,7%, Hà Nam 29,1%, Hải Phòng 20,8%.

Phóng viên: Hiện có thực trạng dân cư của các tỉnh lân cận đổ về tỉnh Thái Bình. Vậy điều này có tạo nên sức ép đối với cơ sở hạ tầng của tỉnh không, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Bình: Thái Bình là tỉnh đất chật, người đông, hiện nay là tỉnh có mật độ dân số 1.130 người/km2, đứng thứ 6 toàn quốc. Bên cạnh đó, Thái Nình có diện tích trồng lớn lớn nên việc xây dựng nhà ở là khá khó khăn.

Về vấn đề dân cư các tỉnh đổ về Thái Bình, ngành thống kê Thái Bình chưa có số liệu chính thức, chỉ là mang tính hiện tượng khi có nhiều nhà máy lớn, xây dựng như: nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Hệ thống các nhà máy may của Công ty MXP, các nhá máy lắp ráp điện tử...

Tuy nhiên, có một hiện tượng khác đó là tỷ lệ xuất cư thuần của Thái Bình ngày càng giảm. Nếu như năm 2014, kết quả điều tra dân số giữa kỳ là 5,9 người/1.000 dân thì đến nay chỉ còn 1,3 người/1.000 dân.

Số dân Thái Bình di cư đi làm ăn tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng trở về quê, sau khi ở các huyện, thành phố hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thu hút trở lại lao động.

Phóng viên: Thưa ông, để có số liệu thống kê cung cấp cho UBND tỉnh, cho công tác điều hành kinh tế - xã hội tại địa phương và người dùng tin, cơ quan thống kê tỉnh Thái Bình đã áp dụng phương pháp tính toán như thế nào để đảm bảo tín nhất quán của các chỉ tiêu thống kê?

Cục trưởng Nguyễn Bình: Cục Thống kê luôn đảm bảo nguyên tắc độc lập tương đối về nghiệp vụ, đi sâu, đi sát nắm bắt các ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm. Từ đó, đề xuất, kiến nghị, dự báo với các cấp lãnh đạo.

Cơ quan thống kê tỉnh cũng tuân thủ đúng lịch phổ biến thông tin thống kê theo qui định của Tổng cục Thống kê; tăng cường công tác giám sát ,kiểm tra qui trình sản xuất số liệu thống kê, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ CAPI trong hoạt động thống kê.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi, đa dạng các hình thức, phối kết hợp với các cơ quan truyền thông để phổ biến, giải thích, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật thống kê cho các đối tượng cung cấp thông tin và đối tượng sử dụng thông tin.

Thông tin kịp thời sự biến động của các chỉ tiêu có ảnh hưởng lớn đối với xã hội như: GRDP, CPI, thu nhập bình quân đầu người, dân số …

Phóng viên:Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục