Gỡ vướng để Nhiệt điện Thái Bình 2 “về đích”

10:09' - 05/03/2019
BNEWS Với 32.000 tỷ đồng vốn đã thực hiện đến thời điểm hiện tại, việc cấp bách tháo gỡ vướng mắc để dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 “về đích” phát điện sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trên công trường dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

*Nhu cầu cấp bách nguồn điện mới 

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) chỉ rõ, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7%/năm, nhu cầu điện của Việt Nam năm 2020 sẽ vào khoảng từ 235 – 245 tỷ kWh/năm, tương đương tổng công suất hơn 52.000 MW.

Trong khi đó, với thực tế là tiềm năng về thủy điện lớn và hầu như đã được khai thác hết trong khi tiềm năng và trữ lượng khí đốt sẽ sớm suy giảm, dự án điện hạt nhân đã dừng, còn năng lượng tái tạo lại chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn nên các dự án nhiệt điện than sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đến năm 2020 chiếm khoảng 49,3% tổng công suất nguồn.

Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2018 – 2020 chỉ đạt 8.900 MW, bằng 60% khối lượng dự kiến.

Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ được chỉ ra là khó khăn trong thu xếp nguồn vốn cho các dự án điện khi Chính phủ tạm dừng bảo lãnh vay vốn trong khi vốn ODA và khả năng thu xếp nguồn vốn trong nước hạn chế.

Thêm vào đó, các dự án nguồn điện mới tại miền Nam mà chủ yếu là các dự án nhiệt điện than đầu tư theo hình thức BOT như Duyên Hải 2, Long Phú 2, Sông Hậu 2, Vĩnh Tân 3, Vân Phong đều có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài do liên quan đến nhiều bộ ngành và điều khoản hợp đồng phức tạp nên vẫn chưa thể khởi công.

*Thái Bình 2 đã hoàn thành 83%

Từ năm 2007 đến nay, PVN đã liên tục đầu tư các dự án nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia. Tập đoàn đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả bốn nhà máy nhiệt điện khí, ba nhà máy thủy điện và một nhà máy nhiệt điện than với quy mô công suất hơn 4.200 MW.

Quang cảnh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: TTXVN
Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu phát triển nguồn điện theo chiến lược đã đề ra, PVN đang đẩy nhanh việc nghiên cứu phát triển các dự án nhiệt điện khí như: Dự án điện khí Kiên Giang sử dụng khí Lô B, hai dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và Sơn Mỹ 2.... sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng LNG nhập khẩu.

Về nhiệt điện than, PVN đã đưa vào hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đồng thời đang tập trung đẩy nhanh tiến độ ba Dự án Nhiệt điện than gồm Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Thái Bình 2.

Đặc biệt, trong bối cảnh 3 – 4 năm sắp tới không có dự án nguồn điện lớn nào hoàn thành, việc đưa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào phát điện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện dự án đã hoàn thành hơn 83% tổng khối lượng các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị chính.

Theo PVN, Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện cấp bách được hưởng cơ chế đặc biệt trong Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013.

Tính đến nay, quyết định này đã có hiệu lực 5 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cho một số nội dung còn vướng mắc.

Trong khi đó, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 trong quá khứ đã xảy ra một số sai phạm và các cơ quan chức năng đã xử lý các cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện một số vấn đề liên quan đến vi phạm như thu hồi tài sản nhà nước thất thoát từ dự án sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng xử lý nhưng đây không thể là lý do để tiếp tục ảnh hưởng tới việc triển khai dự án.

Với công suất thiết kế 1.200 MW, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 vào phát điện sẽ cung cấp ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kWh điện thương phẩm/năm.

*Giải pháp khơi nguồn tài chính

Tại lễ khánh thánh Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị để giải quyết các vấn đề của dự án nhiệt điện Thái Bình 2 với mục tiêu là hoàn thành vào năm 2020, qua đó hoàn thành Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình.

Đây có thể xem là hạn chót mà Chính phủ đặt ra đối với PVN trong việc triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký lưu niệm lên bức ảnh Nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN 
Nhưng để cụ thể hoá chủ trương này, thực tế là một mình PVN không thể giải quyết được do Dự án Thái Bình 2 còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề tài chính cho các hạng mục còn lại.

Theo đó, từ tháng 9/2018, các ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân nguồn vốn vay nên dự án bị thiếu vốn. PVN đã chủ động bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn vốn chủ sở hữu nhưng cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhỏ giọt” nên nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ đang hiện hữu.

Trong khi đó, với 32.000 tỷ đồng vốn đã đầu tư đến thời điểm hiện tại (gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu) thì mỗi ngày mất khoảng 6 tỷ đồng tiền lãi. Vì vậy, việc khơi nguồn tài chính đi kèm với cơ chế kiểm soát chặt chẽ là thực sự cần thiết để Dự án có thể về đích phát điện vào năm 2020 như thời hạn mà Chính phủ giao.

Theo tính toán sơ bộ của PVN, nếu đầu tư thêm 2.500 tỷ đồng để hoàn thành 17% khối lượng công việc còn lại, giúp Dự án vào vận hành trong năm 2020 thì không chỉ hệ thống điện quốc gia được bổ sung 7,2 tỷ kWh điện/năm mà còn giúp chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với các tổ chức tài trợ vốn cho dự án, đóng góp lớn vào ngân sách và tạo hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương.

Thực tế là thời gian qua, PVN đã nỗ lực vào cuộc với mục đích đẩy nhanh tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 như tập trung tháo gỡ khó khăn, đối thoại và gặp gỡ trực tiếp với các nhà thầu xây dựng dự án để tìm ra phương án cụ thể giải quyết các vấn đề liên quan đến công nợ của các nhà thầu về vật tư, nhân công.

Đặc biệt, PVN đã phối hợp với lãnh đạo tỉnh Thái Bình tuyên truyền, ổn định tư tưởng của người dân trong và quanh khu vực dự án. Tuy nhiên, nỗ lực của PVN vẫn chưa thể khiến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 về đích bởi những khó khăn vướng mắc ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp.

Tín hiệu tích cực là Thường trực Chính phủ đã họp bàn riêng về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và đã có kết luận để tháo gỡ các khó khăn. Tuy nhiên, để Dự án có thể “về đích” như mong muốn thì việc sớm triển khai các kết luận này vào thực tiễn là rất cấp bách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục