Thái Lan củng cố vị trí trung tâm y tế của khu vực

14:52' - 16/05/2020
BNEWS Khi Thái Lan bắt đầu từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, Chính phủ nước này đang tìm cách củng cố vị trí của quốc gia là một trung tâm y tế tiên tiến ở châu Á.

Phản ứng của quốc gia Đông Nam Á này trước đại dịch COVID-19 được hỗ trợ bởi một hệ thống y tế mạnh, đứng thứ 6 trên 195 nước trong bộ Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu năm 2019 do các nhà nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Sáng kiến đe dọa hạt nhân và Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins tính toán.

Theo truyền thông sở tại, điều này có nghĩa rằng Thái Lan là nền kinh tế đang nổi lên có thứ hạng cao nhất và là quốc gia châu Á đứng đầu trong bộ chỉ số vốn được lập ra để đo lường sự sẵn sàng của một đất nước đối với một đại dịch.

Từ trước khi bùng nổ đại dịch COVID-19, Thái Lan đã nỗ lực để phát triển đất nước trở thành một trung tâm y tế của châu Á với kế hoạch chiến lược trong giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế có tên gọi “Thái Lan: Một trung tâm về sức khỏe và dịch vụ y tế”.

Kế hoạch chiến lược này cũng phù hợp với chiến lược tổng thể Thái Lan 4.0 của chính phủ nhằm đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhờ nuôi dưỡng các ngành công nghiệp sáng tạo, chế tạo giá trị cao và dịch vụ.

Thái Lan đã được biết đến như là một địa điểm du lịch y tế quốc tế, trong khi việc thúc đẩy phát triển hơn nữa hệ sinh thái y tế một phần là do quốc gia này có dân số đang trong quá trình lão hóa, điều sẽ làm gia tăng nhu cầu nội địa đối với các dịch vụ y tế chất lượng.

Quốc gia này hiện đang đứng thứ hai ở ASEAN, sau Singapore về tỷ lệ dân số có độ tuổi trên 60 và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng đáng kể trong vòng 50 năm tới.

Do đại dịch COVID-19 đã gây thêm những căng thẳng trong những dịch vụ y tế tuyến đầu và các chuỗi cung ứng giai đoạn cuối, Ủy ban Đầu tư của Thái Lan (BoI) tháng trước đã công bố các biện pháp bổ sung nhằm thúc đẩy đầu tư vào ngành sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, điều có thể mang lại những khích lệ tích cực cho các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của khu vực này.

Cùng với chính sách ưu đãi về thuế trong 3-8 năm đối với các doanh nghiệp thiết bị, dụng cụ và cung cấp đủ điều kiện, các biện pháp mới giảm thêm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm. Ưu đãi bổ sung này dành cho các công ty nộp đơn trước ngày 30/6 và bắt đầu sản xuất trước ngày 31/12.

Ngoài ra, những công ty nào điều chỉnh dây chuyền sản xuất hiện nay để chế tạo các dụng cụ y tế hoặc phụ tùng sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc trong năm 2020 nếu nộp đơn trước tháng Chín. Những ưu đãi thêm về thuế cũng được đưa ra đối với các công ty sản xuất vải không dệt dùng để làm khẩu trang y tế hoặc các thiết bị.

Theo Tổng thư ký BoI Duangjai Asawachintachit, những biện pháp nói trên không những nhằm nhanh chóng đối phó với tình hình cụ thể hiện nay, mà còn được hoạch định để mở đường cho sự phát triển về lâu dài.

Bà bày tỏ tin tưởng rằng khả năng quản lý đại dịch đã được chứng minh của Thái Lan, cũng như những năng lực công nghệ được nâng cao và các chuỗi cung ứng mạnh hiện tại, sẽ càng đẩy nhanh đầu tư vào những sáng kiến y tế và các ngành sinh học, cả trong ngắn và dài hạn. Bà nói rằng số lượng những câu hỏi ban đầu mà BoI nhận được liên quan đến những ưu đãi mới khiến bà lạc quan về đầu tư vào khu vực này trong năm 2020.

Mặc dù Thái Lan là một trung tâm sáng tạo y tế, song quốc gia này vẫn có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh hơn do các chính phủ đánh giá lại sự phụ thuộc của họ đối với vật tư thiết yếu nhập khẩu từ nước ngoài.

Đối tác đồng quản lý của công ty tư vấn kinh doanh BDO Thái Lan, ông Paul Ashburn, nhận xét khi tính đến sự đổ vỡ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nước trong khu vực sẽ xem xét để trở nên độc lập hơn trong việc sản xuất các thiết bị y tế và dược phẩm mà có thể tăng khả năng ứng phó trước các dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo ông Ashburn, Thái Lan đã có một khởi đầu thuận lợi, do đó nước này có vị thế tốt để tận dụng nhu cầu đang tăng lên của khu vực trong 12 tháng tới. Những bệnh nhân giàu có từ các nước láng giềng vẫn có thể đến Thái Lan để điều trị bệnh khi các biện pháp hạn chế biên giới được nới lỏng, ngay cả khi phải mất thời gian lâu hơn để khách du lịch y tế từ những thị trường cốt lõi ở Trung Đông, Mỹ, châu Âu và tiểu lục địa Ấn Độ quay trở lại đông đảo.

Ngoài ra, do nhiều nước láng giềng của Thái Lan sẽ không thể ngay lập tức dựa vào sản xuất nội địa để dự trữ đồ bảo hộ cá nhân và những vật tư y tế cần thiết trong bối cảnh đại dịch, Thái Lan sẽ là một thị trường nguồn rõ ràng nhờ khả năng sản xuất và vị trí địa lý gần.

Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch cho 4 giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng hai tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện kiểm soát được số ca mắc COVID-19 mới. Giai đoạn một của tiến trình nới lỏng phong tỏa bắt đầu từ ngày 3/5, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5/2020.

Chính phủ Thái Lan đã thông qua giai đoạn hai của quá trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 17/5, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chỉ rút ngắn thời gian giới nghiêm vào ban đêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục