Thái Lan phản hồi cáo buộc về thâm hụt thương mại với Mỹ

11:39' - 12/05/2017
BNEWS Ngày 11/5, Bộ Thương mại Thái Lan đã gửi văn bản phản hồi quan điểm của Chính phủ Mỹ về vấn đề mất cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Phía Thái Lan khẳng định thặng dư thương mại của phía Thái Lan là không đáng kể xuất phát từ sự khác biệt về cơ cấu kinh tế hai nước và không phải do nước này áp dụng các chính chính sách phân biệt đối xử và không công bằng.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Thái Lan Pimchanok Vonkorpon nói rằng Nội các nước này đã thông qua nội dung văn bản phản hồi này trong cuộc họp hàng tuần hôm 9/5 vừa qua.

Đây là kết quả tổng hợp của nhóm công tác do Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak lãnh đạo, hợp tác cùng các đại diện các khu vực kinh tế công - tư. Hạn chót để gửi phản hồi này cho phía Mỹ là ngày 17/5, song Chính phủ Thái Lan đã quyết định gửi sớm.

Theo văn bản phản hồi, xuất khẩu của Mỹ vào Thái Lan không đạt mức cao do Mỹ không ký thỏa thuận tự do thương mại với Thái Lan. Trong khi đó, Thái Lan khẳng định đầu tư của nước này vào Mỹ đã tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn người Mỹ.

Ở chiều ngược lại, nhiều công ty Mỹ cũng đã đầu tư và vận hành sản xuất tại Thái Lan, quốc gia đã trở thành cầu nối cho xuất khẩu hàng hóa Mỹ tại khu vực và kết nối chuỗi giá trị của nền sản xuất Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ Thương mại Thái Lan nhấn mạnh xuất khẩu của nước này vào Mỹ đã phản ánh sự khác biệt về cơ cấu cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế hai nước.

Mặt khác, Bộ Thương mại Thái Lan cũng khẳng định nước này thực thi các chính sách thương mại phù hợp với các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư Thái Lan – Mỹ (TIFA).

Trước đó, đại diện của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cũng đã khẳng định rằng nước này không thao túng tiền tệ trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Trước đó, ngày 31/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp về thương mại nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ của nước này. Hai sắc lệnh này đòi hỏi phải nghiên cứu nguyên nhân gây nên mất cân bằng thương mại, trong đó yêu cầu phải có phản hồi từ các đối tác thương mại liên quan.

Báo cáo phải đưa ra trong 90 ngày, tập trung vào 15 đối tác kinh tế mà Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn năm 2016, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Indonesia, Canada và Đài Loan (Trung Quốc).

Chính phủ Mỹ dự định có các cuộc họp công khai để nghe báo cáo từ các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ, công nhân, nông dân và người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục