Thái Lan, Thụy Điển nghiên cứu áp dụng "hộ chiếu vaccine"

09:19' - 06/03/2021
BNEWS Trao đổi với Tân Hoa xã (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho hay Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao nước này tiến hành nghiên cứu về "hộ chiếu vaccine".

Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được triển khai trên toàn thế giới, Thái Lan đang cân nhắc phát hành "hộ chiếu vaccine" và miễn cách ly trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

Trao đổi với Tân Hoa xã (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho hay Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao nước này tiến hành nghiên cứu về "hộ chiếu vaccine".

Kế hoạch ban đầu sẽ liên quan đến công tác phát hành chứng nhận cho các du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đến Thái Lan, cho phép họ được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong 2 tuần và được nới lỏng một số biện pháp hạn chế.

Tuy nhiên, Bangkok cũng đòi hỏi điều kiện tương tự từ những quốc gia khác đối với du khách Thái Lan.

Trước mắt, Chính phủ Thái Lan vẫn cần có thời gian để xây dựng những nội dung và biện pháp triển khai cụ thể.

Năm 2019, Thái Lan đón khoảng 400 triệu lượt du khách nước ngoài, song con số này chỉ còn 6,7 triệu lượt người trong năm ngoái.

Cũng trong năm 2020, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đã suy giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1998.

Ngân hàng trung ương Thái Lan nhìn nhận ngành du lịch, đóng góp hơn 15% GDP, là lĩnh vực chủ chốt giúp phục hồi kinh tế.

Tại châu Âu, Thụy Điển là một trong những quốc gia ủng hộ sáng kiến "hộ chiếu vaccine".

Ngày 5/3, Bộ trưởng Phát triển Kỹ thuật số Anders Ygeman cho biết Thụy Điển đang phát triển chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 kỹ thuật số để sử dụng trong các chuyến du lịch quốc tế. Mục tiêu là đưa hệ thống này đi vào hoạt động vào ngày 1/6 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Ygeman dự đoán trong tương lai, các công ty lữ hành và các quốc gia sẽ yêu cầu những bằng chứng có giá trị quốc tế về việc chủng ngừa.

Do đó, chứng nhận điện tử này có thể được sử dụng để tham gia các sự kiện hoặc tiếp cận các dịch vụ cụ thể ở Thụy Điển, song song với việc đảm bảo tránh tình trạng phân biệt đối xử đối với những người không thể tiêm chủng.

Chứng nhận tiêm chủng có thể truy cập được thông qua nhận dạng kỹ thuật số và có thể được lưu trên điện thoại thông minh hoặc trong ví điện tử.

Nó cũng có thể được gửi bằng thư thông thường dưới dạng tài liệu giấy hoặc nhãn dán NFC được gắn vào hộ chiếu của chủ sở hữu.

Một khóa mã hóa sẽ được đính kèm nhằm cho phép xác minh tính xác thực của chứng nhận tiêm chủng tại các cơ quan kiểm soát biên giới.

Thụy Điển đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 568.000 người, trong đó 285.000 người đã được tiêm 2 mũi.

Tính tới ngày 5/3, Thụy Điển đã ghi nhận 685.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 13.003 ca tử vong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục