Thái Nguyên đầu tư hơn 25 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

10:33' - 14/12/2021
BNEWS Nguồn kinh phí hỗ trợ chủ yếu phục vụ công tác lập dự án, quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch...

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng ở 5 xóm gồm: Tân Sơn, xã La Bằng (huyện Đại Từ), Nam Đồng, xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), Đồng Tâm, xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), Mỏ Gà, xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), Khuôn Tát, xã Phú Đình (huyện Định Hóa) với tổng nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Nguồn kinh phí hỗ trợ chủ yếu phục vụ công tác lập dự án, quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch...

Theo Đề án mới được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua, đối với việc lập dự án, quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ theo thực tế chi phí nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/điểm du lịch.

Tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nội bộ tại điểm du lịch cộng đồng, mức hỗ trợ 50% kinh phí nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng/điểm du lịch; hỗ trợ xây dựng điểm đón tiếp, trưng bày, cung cấp thông tin du lịch cộng đồng với diện tích tối thiểu 100 m2 có thiết kế bên ngoài và khu vực trưng bày thông tin/hiện vật làm nổi bật đặc trưng văn hóa cộng đồng, mức hỗ trợ là 50% kinh phí đầu tư xây dựng mới, tối đa không quá 400 triệu đồng/điểm du lịch.

Các doanh nghiệp, hộ gia đình xây dựng mới cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng (homestay) được hỗ trợ 30% kinh phí xây mới nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/homestay. Mỗi điểm du lịch hỗ trợ xây mới tối đa không quá 10 homestay, ưu tiên các homestay mang đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương, có kiến trúc nhà vườn, nhà sàn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, cá nhân thuộc vùng dự án phát triển du lịch cộng đồng còn được hỗ trợ xây dựng nhà hàng ẩm thực truyền thống kết hợp trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm đặc sản, quà tặng lưu niệm, sản phẩm OCOP của địa phương với mức hỗ trợ 30% kinh phí nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/nhà hàng...

Đối với việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch như các mô hình trải nghiệm cho khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí khai thác các trò chơi dân gian, phát triển sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch... mỗi điểm du lịch được hỗ trợ không quá 5 sản phẩm du lịch, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/sản phẩm du lịch.

Tại các điểm du lịch cộng đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ còn được dành cho thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng gồm: Mua sắm trang thiết bị, trang phục, đạo cụ, nhạc cụ dân tộc để biểu diễn, xây dựng, dàn dựng và tập luyện các tiết mục biểu diễn ban đầu, duy trì hoạt động của đội văn nghệ có bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu... với mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/điểm du lịch...

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Thái Nguyên là vùng đất có truyền thống lịch sử, với nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch.

Trong thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng đã bước đầu hình thành tại một số địa phương trong tỉnh, nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân và sự hưởng ứng tích cực từ du khách song vẫn còn manh mún, tự phát, thiếu tính hệ thống, đồng bộ, chưa có chiều sâu.

Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu và đặc trưng riêng có của địa phương, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa được tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phát triển du lịch cộng đồng...

Do vậy, việc Thái Nguyên thông qua chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng là rất cần thiết, nhằm phát huy lợi thế về vị trí, tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa của địa phương, hình thành các điểm du lịch mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.../.

>>>Ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam dành cho khách quốc tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục