Thái Nguyên: Thúc đẩy phát triển hạ tầng và năng lực số

15:50' - 04/02/2025
BNEWS Thái Nguyên triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu gồm: giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị...
Nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng số tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo an toàn, bảo mật và phát triển bền vững, góp phần vào quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ đầu năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, khu đô thị, khu dân cư, công nghiệp, nhà chung cư, nhà ở xã hội, khu đô thị mới phải ưu tiên và bắt buộc có không gian, hạ tầng kỹ thuật dùng chung dành cho lắp đặt công trình kỹ thuật viễn thông; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng các công trình kỹ thuật viễn thông thụ động theo thẩm quyền. Khi quy hoạch, chuẩn bị đầu tư các dự án, xây dựng công trình, các đơn vị phải thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông biết để phối hợp đầu tư, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả.Tỉnh cũng cho phép các công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai lắp đặt bổ sung hạ tầng phục vụ phát triển mạng 5G, các ứng dụng 5G phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Cơ quan chuyên môn tiến hành đánh giá đầy đủ hiện trạng hạ tầng Internet vạn vật (IoT) đã đầu tư của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trực thuộc, xác định nhu cầu ứng dụng IoT trong các lĩnh vực như: đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng, điện, nước, quan trắc tài nguyên môi trường... lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, Thái Nguyên triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu gồm: giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số...

 
Đối với việc phát triển năng lực số, tỉnh cũng xây dựng đề án riêng với mục tiêu đến hết năm 2025 xây dựng đội ngũ chuyên gia để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và đào tạo lại cho 3.000 cán bộ tạo nòng cốt (ToT - Training of Trainers) của các sở, ngành, địa phương, trường đại học, cao đẳng, tổ công nghệ số cộng đồng, phát triển học liệu số tích hợp vào các nền tảng số sẵn có để triển khai đào tạo trực tuyến, xây dựng kho học liệu số, hỗ trợ người dân học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành phổ cập kiến thức cơ bản về AI cho người dân vào cuối năm 2025.

Toàn tỉnh phấn đấu 80% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước được đào tạo, nâng cao kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh; phấn đấu trên 80% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp triển khai chương trình đào tạo công nghệ số cho người lao động ít nhất 1 giờ/tuần; ít nhất 70% số người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác như: hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông, ngân hàng... Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm các mô hình công nghệ số gồm: xây dựng không gian truyền thông số tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (huyện Đại Từ); Trung tâm đào tạo công nghệ số và kết nối việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng 1 trường cao đẳng số và 1 trường đại học số tại Đại học Thái Nguyên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục