Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN: Song hành lợi ích và thách thức
Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cải thiện năng lực cạnh tranh; thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì doanh nghiệp Việt cũng phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn từ hội nhập kinh tế khu vực, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực ASEAN có nhiều điểm tương đồng trong sản xuất và các lĩnh vực thế mạnh.
Một số ý kiến từ các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý được phóng viên TTXVN ghi nhận sẽ cho thấy rõ hơn về vấn đề này.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái :
Bên cạnh những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC, nhiều thách thức cũng không nhỏ đang chờ sẵn doanh nghiệp. Tôi cho rằng, những cạnh tranh gay gắt trực tiếp sẽ khiến các ngành kinh tế gặp khó khăn hoặc nhiều doanh nghiệp phá sản, nếu không có chiến lược kinh doanh tốt.
Trước hết, đó là nguy cơ bị chèn ép, nhấn chìm hoặc thâu tóm cao, còn gia tăng tính phụ thuộc, đối mặt với nguy cơ mất thị trường, thương hiệu. Doanh nghiệp Việt yếu thế sẽ mất dần nguồn nhân sự chất lượng cao, công nghệ truyền thống không còn chỗ đứng; bị kiểm soát toàn diện trong chuỗi giá trị… thua ngay trên sân nhà.
Vì thế, theo tôi, doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian cho công việc hơn để nắm bắt những cơ hội từ AEC cũng như vững vàng trước sức mạnh cạnh tranh của tiến trình hội nhập, trong khi doanh nghiệp Việt Nam “trẻ” hơn các doanh nghiệp khu vực và thế giới.
Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế :
Hiện nay các doanh nghiệp ở một số nước như Thái Lan, Malaysia đã đi tắt đón đầu và đang tận dụng rất tốt các cơ hội của AEC.
Để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doanh nghiệp Việt phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…
Bên cạnh đó, cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.
Quan trọng nhất là cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin để tận dụng tốt việc lưu thông hàng hóa từ việc cắt giảm thuế quan trong ASEAN, chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN.
Ở góc độ cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần rà soát, bổ sung và xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp để hoàn thiện khung pháp lý trong nước trên cơ sở hài hòa với các cam kết khu vực về thực thi AEC; chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chủ động tận dụng các cơ hội khi hình thành thị trường chung ASEAN.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:
Đối với ngành thép, tôi cho rằng việc Việt Nam chính thức gia nhập AEC là tác động có lợi. Bởi lẽ, tới 80% các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước ASEAN.
Theo số liệu 9 tháng năm 2015, Việt Nam xuất khẩu các loại thép đạt gần 1,85 triệu tấn, thì riêng thị trường ASEAN đạt 1,5 triệu tấn. Trong khi đó, chúng ta nhập khẩu từ thị trường này rất ít, chỉ khoảng hơn 100.000 tấn. Như vậy, khi gia nhập, thuế suất thuế được giảm thì sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành thép, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn thiếu quan tâm tới Cộng đồng kinh tế này. Có những doanh nghiệp cũng chưa hình thành các phòng nghiên cứu thị trường để tìm hiểu khối thị trường này, mà vẫn chủ yếu quan tâm tới thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen, Đông Á, Nam Kim, Tôn Phương Nam… là những đơn vị lớn trong nước thì đã có sự chuẩn bị, tìm hiểu thông tin.
Các doanh nghiệp trong nước khi gia nhập AEC nhìn chung có lợi về mặt xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, để hàng hóa đẩy mạnh vào được thị trường này, thì không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà ngay cả các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường cũng phải đẩy mạnh hơn xúc tiến thương mại và tìm hiểu các dòng thuế, sản phẩm tại thị trường. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành cạnh tranh.
Ngoài ra, thép Trung Quốc vào khu vực thị trường ASEAN cũng là rất lớn, đạt hơn 60 triệu tấn trong năm 2014, gián tiếp cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước tại thị trường này.
Ông Đào Phan Long, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam:
Hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp trong hiệp hội theo dõi, nắm bắt thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN và có chuẩn bị để đón đầu. Còn lại thì hầu hết doanh nghiệp cơ khí chưa quan tâm.
Cái này là bởi vì doanh nghiệp cơ khí của chúng ta quy mô còn nhỏ, đi lên chủ yếu từ hộ gia đình, cho nên tìm các mối làm, hay dự án nhỏ ở trong nước.
Doanh nghiệp hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, muốn đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao công nghệ thì cũng không có vốn để làm, mà cũng không biết làm như thế nào, làm ở ngành nghề lĩnh vực nào, vì chúng ta chưa có chiến lược phát triển cụ thể.
Ngay đến các dự án trong nước, chúng ta cũng còn chưa có được ưu thế vượt trội thì lấy gì để cạnh tranh với nước ngoài khi hội nhập.
Do vậy, tôi cho rằng ngành cơ khí khi hội nhập vào ASEAN sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngành cơ khí lâu nay ít được quan tâm, hoặc cũng được quan tâm nhưng chưa đến nơi đến chốn, các cơ chế hỗ trợ chưa đến được doanh nghiệp, nên công nghệ lạc hậu, quản lý còn yếu kém.
Các bộ, ngành và địa phương trước đây đua nhau thu hút đầu tư, không quy hoạch, không hợp tác để tạo thành chuỗi sản phẩm… nên rời rạc, không có doanh nghiệp đầu đàn.
Nói thì nói thế, nhưng đã tham gia “cuộc chơi” thì phải chấp nhận luật và phải có chiến lược để phát triển. Quan trọng hiện nay, phải có được chiến lược cụ thể, phát triển tập trung vào đâu, chọn lựa sản phẩm, lĩnh vực nào, thị trường rộng lớn ra sao và hỗ trợ được những cái gì để doanh nghiệp họ đầu tư vào.
Chúng ta phải làm chiến lược sớm, có kế hoạch lâu dài cho doanh nghiệp. Tôi tin là tự thân doanh nghiệp sẽ có hướng phát triển của mình. Quan trọng là nhà nước phải có hướng đi cụ thể, các bộ ngành cũng phải hỗ trợ để các cơ chế ưu đãi đến được doanh nghiệp…/.
Uyên Hương – Đức Dũng
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Hành trình trách nhiệm trong ASEAN - Bài 2: Cùng hiện thực hóa tầm nhìn 2045
17:19'
Gia nhập ASEAN vào năm 1995 đã mở ra những cơ hội chiến lược để Việt Nam xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hội nhập khu vực sâu rộng.
-
Kinh tế Việt Nam
Hành trình trách nhiệm trong ASEAN - Bài 1: Từ tham gia đến kiến tạo
17:18'
Ba thập niên đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét không chỉ ở vai trò chủ động, sáng tạo trong hội nhập khu vực, mà còn ở năng lực dẫn dắt, kết nối, kiến tạo.
-
Kinh tế Việt Nam
Nghệ An: Gian nan hành trình tiếp cận bản cô lập nơi tâm lũ
17:06'
Hành trình tiếp cận những địa bàn, bản làng cô lập, các đoàn, tổ công tác đã gặp không ít khó khăn, vất vả, hiểm nguy.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ tại Điện Biên
14:04'
Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1.
-
Kinh tế Việt Nam
Nhà nghĩa tình: TTXVN tri ân người làm báo hy sinh vì Tổ quốc
13:09'
Ngày 26/7, TTXVN đã trao tặng nhà nghĩa tình cho thân nhân Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng; dâng hương tại Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến và tặng quà cho học sinh tại tỉnh Hà Tĩnh.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị
12:12'
Sáng 27/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Trị và Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại.
-
Kinh tế Việt Nam
Sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật tuần qua
08:47'
Chứng khoán chốt phiên cao kỷ lục, Lạng Sơn điều chỉnh thời gian thông quan hàng hóa, VinFast hợp tác với loạt ngân hàng lớn hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện... là một số sự kiện nổi bật tuần qua.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát các dự án hạ tầng tại tỉnh Quảng Trị
18:55' - 26/07/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, chỉ đạo thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng tại tỉnh Quảng Trị.
-
Kinh tế Việt Nam
“Luồng xanh” ưu tiên dự án sân bay quốc tế Gia Bình
18:37' - 26/07/2025
Với mục tiêu khởi công vào ngày 19/8/2025, dự án Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đang được tỉnh Bắc Ninh huy động tổng lực triển khai.