Thảm họa sập cầu chồng chất thêm sức ép tài chính đối với Italy

05:30' - 24/08/2018
BNEWS Sau vụ sập cầu kinh hoàng tại Genoa ngày 14/8, Chính phủ Italy đã kiến nghị Ủy ban châu Âu (EC) gia hạn thêm thời gian để nước này nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đang xuống cấp trên toàn quốc.
Hiện trường vụ sập cầu cạn tại Genoa ngày 15/8. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, thảm họa này còn có thể chồng chất thêm sức ép tài chính đối với Italy vốn đang phải chịu sức ép trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư lo ngại về 2.000 tỷ euro (khoảng 2.300 tỷ USD) trái phiếu chính phủ họ đang nắm giữ.  

Chỉ trong vòng vài giờ sau khi vụ việc xảy ra, Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải để Rome bổ sung vào dự trù ngân sách sắp tới của nước này tất cả các nguồn vốn đầu tư cần thiết để đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này được an toàn. 

Nguồn vốn đầu tư đó sẽ được tính toán sau khi có đánh giá từ cuộc tổng kiểm tra khẩn cấp các cây cầu và đường hầm trên toàn Italy. Đây cũng là một trong những điểm ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch ngân sách được chính phủ mới nhậm chức hồi tháng Sáu vừa qua vạch ra. Kế hoạch này có nội dung chi hàng chục tỷ euro để thực hiện cắt giảm thuế, nới lỏng quy định về lương hưu và tăng thu nhập cơ bản cho người nghèo.

Chính phủ Italy hiện hành cũng muốn tránh việc thực hiện những quy định về tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được chính phủ tiền nhiệm nhất trí với yêu cầu của Brussels, nhằm đáp ứng các chỉ tiêu về ngân sách. Đối với những chủ nợ của Italy, sự thiếu hụt tài chính khiến cho mối lo ngại thêm gia tăng.

Gustavo Piga, giáo sư kinh tế học tại Đại học Tor Vergata của Rome, cho biết trước đây cơ sở hạ tầng “không phải là một ưu tiên đối với các nhà chính trị”. Ông Piga cũng lưu ý rằng chính quyền tiền nhiệm thậm chí còn có vẻ như đã điều chỉnh rút bớt một số nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng sau khi được Brussels cho phép trì hoãn về ngân sách dành cho các nguồn vốn đầu tư.

Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổng lượng vốn đầu tư và chi phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng giao thông của Italy đã giảm tới 58% trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2015. Nguồn vốn đầu tư công chung tại Italy cũng đã giảm 35% trong thời gian từ 2007 đến 2015, trong khi Rome đã gia tăng chi tiêu ngân sách phục vụ tăng lương người lao động và lương hưu lên 7%. 

EC cũng khẳng định rằng cơ quan này đã từng khuyến khích liên minh cầm quyền tại Rome phải ưu tiên hóa các nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tháng Tư vừa qua, cơ quan này đã chấp thuận một kế hoạch đầu tư trị giá 8,5 tỷ euro cho các tuyến đường cao tốc tại Italy, bao gồm cả khu vực Genoa. Italy cũng sẽ nhận được khoảng 2,5 tỷ euro đầu tư vào mạng lưới cơ sở hạ tầng (các tuyến đường bộ và đường sắt) từ nguồn vốn của châu Âu trong giai đoạn 2014 – 2020.

Trong khi đó, Bộ trưởng kinh tế Italy Giovanni Tria cho rằng cơ sở hạ tầng có thể không phải là yếu tố thích hợp “tinh tế” hỗ trợ cho kiến nghị nới lỏng quy định đầu tư của EU. Giovanni Tria cho biết lĩnh vực ưu tiên sẽ không chỉ chú trọng đến việc tăng các nguồn đầu tư công mà còn nhằm vượt qua “sự suy giảm khả năng chi tiêu và can thiệp khi cần”. 

Tuy vậy, theo một nguồn tin từ Bộ Tài chính Italy, ông Tria đã thảo luận với các quan chức EU về một kế hoạch đầu tư công lớn có trị giá lên tới 150 tỷ euro trong vòng 10 năm. Và do vậy, Italy không cần thiết phải điều chỉnh nâng mức thâm hụt ngân sách khi gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. 

Sau khi được hoàn tất xây dựng vào năm 1967, cây cầu tại Genoa đã xuất hiện những khiếm khuyết nhất định. Cùng với đó là việc cây cầu này chủ yếu được bảo dưỡng, bảo trì bởi một công ty tư nhân Autostrade per l’Italia chứ không phải là chính phủ.

Mặc dù công ty này khẳng định luôn tuân thủ mọi quy định bảo dưỡng và tiến hành các hoạt động kiểm tra, kiểm định định kỳ đối với cây cầu nhưng không tiết lộ chi phí cụ thể. Giám đốc điều hành công ty Autostrade per l'Italia, ông Giovanni Castellucci, cho biết công ty này sẽ chi 500 triệu euro để hỗ trợ thành phố Genoa của Italy.

Trong khi đó, theo ông Antonio Brencich, giáo sư thiết kế tại Đại học Genoa, cây cầu đã có những dấu hiệu hư hại chỉ sau 2 thập kỷ được đưa vào sử dụng. Nhiều người dân sinh sống quanh đó cho biết những năm 1980 đã thấy từng mảng xi măng rơi xuống, làm hư hại các ô tô đỗ phía dưới. Nhưng việc người dân cần làm chỉ là điền vào các mẫu tờ khai đòi bồi thường để có kinh phí sửa chữa xe ô tô của họ.

Chính phủ Italy ngày 17/8 thông báo đã chính thức thực hiện các thủ tục thu hồi giấy phép quản lý và vận hành đường cao tốc của công ty Autostrade sau vụ sập cầu cạn Morandi trên tuyến cao tốc A10 tại thành phố Genoa.

Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte, cũng quy trách nhiệm cho Autostrade về thảm kịch trên, đồng thời nhấn mạnh công ty này "phải thực hiện việc duy tu bảo dưỡng bình thường và đặc biệt đối với tuyến cao tốc A10”. Theo tuyên bố, Autostrade có thời hạn 15 ngày để hồi đáp văn bản của chính phủ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy, Matteo Salvini, cho biết thủ tục để thu hồi giấy phép của Autostrade sẽ mất “nhiều tuần hoặc nhiều tháng”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục