Thăm ngôi làng phục vụ thú chơi tao nhã của người Hà Nội

12:04' - 07/02/2016
BNEWS Mặc dù nghề nuôi cá cảnh không còn phát triển mạnh như trước nữa, nhưng mỗi khi nhắc đến làng Yên Phụ, là người ta lại nhớ tới nghề nuôi cá cảnh, phục vụ thú chơi tao nhã của người Hà Nội.
Làng Yên Phụ nổi tiếng với nghề nuôi cá cảnh. Ảnh: TTXVN

Yên Phụ là một ngôi làng cổ ở ven Hồ Tây (nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) xưa kia nổi tiếng với nghề trồng hoa, làm hương và nuôi cá cảnh.

Gắn bó với nghề gia truyền

Hiện nay, không còn nhiều nhà làm nghề nuôi cá cảnh tại Yên Phụ, chỉ còn lác đác 3-4 nhà ở mặt đường Yên Hoa mở cửa hàng bán cá và chủ yếu là cá cảnh nhập ngoại. Ông Quách Văn Vũ, chủ một cửa hàng cá cảnh cho biết, trong làng chỉ còn trên dưới 10 hộ giữ nghề buôn cá cảnh.

Các hộ này chủ yếu tự gây hoặc nhập về với số lượng ít, quy mô nhỏ do không cạnh tranh được với các cửa hàng cá mới mở vài năm gần đây trên địa bàn Hà Nội. Nhiều nhà bỏ nghề, cho thuê cửa hàng hoặc buôn bán mặt hàng khác.

Tuy nhiên, có những hộ gia đình vẫn bám trụ nghề, với những bể cá bê tông san sát quanh sân và tiếng nước chảy đều đặn của máy lọc, máy sủi mỗi ngày.

Không muốn từ bỏ truyền thống gia đình, ông Quách Văn Vũ nối nghiệp cha là nghệ nhân nuôi cá Quách Văn Tâm (64 tuổi), đời thứ 3 tiếp tục phát triển quy mô trại cá của gia đình. Ngoài tiếp tục giữ mặt hàng cá chép, cá vàng, cá chọi… ông Vũ còn liên kết nuôi giống với một số trại cá ở Hải Phòng, Nam Định và nhập cá từ Thái Lan, Trung Quốc để cho đa dạng chủng loại.

Các cửa hàng ở đây cho biết, thu nhập từ việc buôn cá nhập cao gấp nhiều lần so với bán cá nuôi. Những trại cá như gia đình ông Vũ phải thuê 12, 13 nhân công để chăm sóc hơn 100 bể cá.

Trại cá của ông Vũ hiện có gần 200 loại khác nhau, từ rẻ tiền đến những loại có giá vài triệu/con. Những người có kinh nghiệm chăm sóc cá như ông Tâm, ông Vũ cũng tạo điều kiện hướng dẫn, đào tạo lớp trẻ kế cận những kỹ thuật nuôi cá cảnh truyền thống để không làm mai một nghề truyền thống.

Ông Vũ cho rằng, muốn giữ và phát triển nghề phải kết hợp với giữa kỹ thuật truyền thống và hiện đại, đồng thời song hành cùng nhu cầu của khách hàng.

Cửa hàng cá cảnh Vũ, cá cảnh Giang, cá cảnh Tân Xuân của làng cá Yên Phụ bắt đầu cung cấp các dịch vụ về bể kính, máy sưởi, cây thủy sinh để có thể tự lắp ráp những bể cá hiện đại, nhiều lựa chọn thay vì chỉ cung cấp giống cá.

Nghề nuôi cá cảnh vẫn được duy trì tại làng nghề Yên Phụ. Ảnh: TTXVN

Rộn ràng làng cá ngày Tết

Cho dù không còn nhiều gia đình gắn bó với nghề nuôi cá cảnh, nhưng dịp giáp Tết này, khi tới thăm làng Yên Phụ người ta vẫn cảm nhận không khí rộn ràng chuẩn bị cá phục vụ thú chơi của người Hà Nội và phục vụ ngày Tết ông Công ông Táo.

Cá cảnh ở làng Yên Phụ ngày nay được chia làm 2 loại, cá cỏ và cá cảnh nhập. Cá cỏ là các loại cá vàng, cá chép, cá chọi, cá bảy màu quen thuộc với người dân Hà Nội. Cá cảnh nhập về có nhiều loại, phù hợp với thị hiếu ưa thích như cá La Hán, cá Koi, cá Rồng...

Nhiều nhất trong những ngày này là hàng trăm cân cá chép để đổ buôn cho các cửa hàng cá trong Hà Nội. Các đại lý ở Hàng Đậu, Hoàng Hoa Thám… rục rịch đặt cá chuẩn bị cho ngày ông Công ông Táo.

Năm nay trời rét nên các cửa hàng nhập cá dè dặt hơn, không lấy sớm như năm ngoái, số lượng cũng ít hơn.

Tiết trời rét đậm nên những đàn cá cảnh như thần tiên, cá hỏa tiễn, cá mập cảnh, hoàng kim… bơi lội trong những căn phòng nghi ngút hơi nước từ máy sục và ấm áp nhờ máy sưởi.

Qua rằm tháng Chạp, các cửa hàng bắt đầu nhập cá Tết rộn ràng. Từ các loại trung bình như đuôi kiếm, mô ly, hòa lan, ngựa vằn đến hồng két, cá mập Thái, cá chép Nhật... Các kho thức ăn khô, bóng đèn, phụ kiện bể cá đã đầy ắp chuẩn bị cho dịp Tết.

Ông Quách Văn Vũ, chủ cửa hàng cá cảnh Vũ cho biết, năm nay bể cá âm tường với những loại cá đắt tiền như La Hán, cá rồng với đa dạng cây thủy sinh rất được ưa chuộng. Có những bể cá lên đến gần 100 triệu đồng.

Anh Chung, một người bán cá lâu năm cho biết, có những khách hàng từ Huế, Đà Nẵng cũng gọi điện ra để đặt cá. Để giữ cho cá không bị sốc nhiệt khi đến vùng có khí hậu ấm hơn, anh phải đặt 2 túi nước nóng vào cùng hộp xốp đựng túi cá để giữ nhiệt độ ổn định trong quá trình vận chuyển.

Hiện nay, làng cá Yên Phụ vẫn là đầu nguồn cung cấp cá cảnh trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc.

Một mùa xuân mới sắp về, làng cá Yên Phụ đang từng bước chuyển mình để thích ứng với những thị hiếu chơi cá mới. Nhưng dù có bao nhiêu loài cá phong phú đổ về đây, cá chọi, cá bảy màu, cá vàng vẫn là nét đặc sắc của riêng đất Yên Phụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục