Tham tán thương mại - cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường nước ngoài

14:55' - 26/02/2016
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tham tán phải là cầu nối giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Tham tán thương mại phải là cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường nước ngoài. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Tại Hội nghị Tham tán thương mại 2016 diễn ra tại Hà Nội ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn và tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu của Việt Nam cần phải mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

Theo đó, tham tán sẽ phải là cầu nối giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; có thể cho phép thương vụ thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến hợp tác đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, mỗi tham tán cũng phải đảm nhiệm tốt trọng trách tại thị trường mình phụ trách. Cùng đó, tận dụng tốt thời cơ, tháo gỡ các rào cản thương mại và hạn chế các vụ kiện chống bán phá giá.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin nước sở tại, bảo vệ các dự án cũng như quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam tại nước sở tại; chủ động đề xuất từng thị trường xem có thể mở rộng thêm các mặt hàng xuất khẩu để có chính sách hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, ngành công thương đã có rất nhiều nỗ lực và thu được kết quả đáng khích lệ.

Trên cơ sở và chỉ tiêu Chính phủ giao, Bộ trưởng yêu cầu các tham tán thương mại phải nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao là chỗ dựa cho doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Hội nghị được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với mục đích quán triệt và triển khai ngay các chỉ đạo của Đại hội Đảng và Chính phủ đối với việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại nhằm góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trên thế giới; hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với các đối tác.

Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương thông qua công tác thị trường nước ngoài để thực hiện mục tiêu chung do Chính phủ đề ra là phát triển kinh tế đất nước và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh với nước ngoài.

Củng cố và tăng cường công tác thương vụ, bảo đảm hiệu quả hoạt động của công tác thương vụ nói chung và các tham tán thương mại nói riêng.

Để công tác tham tán thương mại phát huy tốt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các tham tán thương mại tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; trao đổi với các doanh nghiệp các giải pháp, góp phần cùng ngành công thương hoàn thành đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ mà ngành được giao.

Tại Hội nghị và các phiên họp chuyên đề, các đại biểu đã được nghe và trao đổi về tham luận của Bộ Công Thương và các bộ, ngành về công tác thị trường nước ngoài, nhiệm vụ và hoạt động của các thương vụ, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; tham luận của các hiệp hội ngành hàng về hoạt động xuất khẩu và công tác thị trường nước ngoài;…

Để thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp trong nước, thời gian tới các thương vụ cần tập trung xúc tiến xuất khẩu, chủ động đề xuất phương hướng xúc tiến trọng điểm từng ngành hàng. Ảnh: Doãn Tấn-TTXVN

Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực liên quan như công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, cạnh tranh, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán thương mại 2016, các tham tán, tùy viên đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ chế hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng;…

Các đại biểu đã tập trung trao đổi các biện pháp đổi mới công tác thị trường nước ngoài, nâng cao vai trò và đặt ra các yêu cầu đối với Thương vụ trong thời kỳ mới.

Hiện nay, xu hướng chung đang quay trở lại bảo hộ mâu dịch nhiều nước với mật độ cao nên khả năng cạnh tranh mở rộng thị trường gặp không ít khó khăn, tác động bất lợi đến thương mại xuất nhập khẩu.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, các Thương vụ Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng, tích cực và chủ động hoàn thành các nhiệm vụ được giao, thực hiện vượt mức các kế hoạch định hướng xuất khẩu, góp phần vào thành công chung của ngành công thương.

Thương vụ Việt Nam đã tạo thành một hệ thống liên kết giữa trong nước và nước ngoài, giữa các nước với nhau, đảm bảo Bộ Công Thương thực hiện tốt công tác thị trường nước ngoài. Hệ thống Thương vụ đã có truyền thống, uy tín được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế và đối tác nước ngoài của Bộ ghi nhận, đánh giá cao và thường xuyên liên hệ công tác.

Để thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp trong nước, thời gian tới các thương vụ cần tập trung xúc tiến xuất khẩu, chủ động đề xuất phương hướng xúc tiến trọng điểm từng ngành hàng.

Cùng với việc tập trung vào các mặt hàng truyền thống thì cần phát triển thị trường tiềm năng; xúc tiến đầu tư trong công nghiệp giữa doanh nghiệp trong nước và sở tại; tham gia hội nhập theo chiều sâu và tranh chấp thương mại; tận dụng cơ hội hội nhập và tham mưu chính sách trong từng thời kỳ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục