Tham vấn Báo cáo quy định về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước

17:34' - 27/07/2020
BNEWS Hội thảo này là một trong những hoạt động của Dự án cấp vùng của UNDP nhằm “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ.
Ngày mai, 28/7 tại Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo "Tham vấn Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thi hành quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018".

Sự kiện do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức nhằm tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định doanh nghiệp, các tổ chức khu vực ngoài Nhà nước cần thiết xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng thông qua áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh.

Hội thảo này là một trong những hoạt động của Dự án cấp vùng của UNDP nhằm “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ.

Hội thảo do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh và đại diện UNDP, đồng chủ trì.

Tham dự hội thảo sẽ có đại diện lãnh đạo cơ quan bộ ngành, đại diện lãnh đạo thanh tra các tỉnh, thành phố thuộc Thanh tra Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Chuyên gia Đỗ Thanh Thủy cho hay, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về những nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội yêu cầu, đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư.

Trong thực tiễn hiện nay, tham nhũng là một vấn nạn và thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Từ tất yếu đó đã đặt ra yêu cầu phải phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhân, khu vực ngoài Nhà nước.

Do đó, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2018 và ngày 1/7/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

Bà Thủy cho biết, một trong những nội dung mới của Luật và Nghị định đó là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước.

Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và giám sát các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Đồng thời, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác phải ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng của các hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Đây là lần đầu tiên Luật Phòng chống tham nhũng mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước. Vì vậy, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 được ban hành; trong đó, có 10 điều luật quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước, gồm cả các quy định mang tính chất khuyến nghị cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước và các quy định mang tính chất bắt buộc cho một số loại hình doanh nghiệp và tổ chức ngoài Nhà nước....

>>Số liệu nổi bật về phòng, chống tham nhũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục