Tham vấn cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2030

12:03' - 28/10/2020
BNEWS Hội thảo giúp phát hiện thêm những vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam từ bối cảnh phát triển mới, nhất là đối với những vấn đề lớn, gợi mở ra hướng giải quyết một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ngày 28/10, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tham vấn cho dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, với sự tham gia của một số chuyên gia kinh tế.

Sự kiện mang chủ đề “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước đến năm 2030”.

Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp và cá nhân thể hiện nguyện vọng, chung tay với Đảng và Chính phủ hiến kế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Hội thảo cũng giúp phát hiện thêm những vấn đề mới đang đặt ra cho Việt Nam từ bối cảnh phát triển mới, nhất là đối với những vấn đề lớn, và gợi mở ra hướng giải quyết một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là hoạt động quan trọng, có tính gợi mở và cầu thị để tiếp nhận những ý kiến đóng góp hướng phát triển của nền kinh tế trong 10 năm tới.

Theo đó, chú trọng, nhận diện, huy động và phát huy các nguồn lực phục vụ doanh nghiệp, nhân lên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng như khắc phục, hạn chế những tồn tại, bất cập thời gian qua...

“Hội thảo sẽ thu nhận được những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các trường đại học, các chuyên gia và nhất là đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam về quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước - khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước - trong thời kỳ chiến lược 2021-2030.”, ông Vịnh mong muốn.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng,  việc tổ chức tham vấn là hoạt động quan trọng, tích cực và nhằm phát huy quan điểm, ý kiến nhiều chiều trong quá trình soạn thảo chiến lược nói trên hằm đạt hiệu quả cao nhất.

Trong đó, cần lưu tâm thỏa đáng cho mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững cũng như gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; sự hài hòa giữa thành tựu về kinh tế với sự thụ hưởng của người dân, bảo đảm an sinh xã hội...

“ Cùng với đó, các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, phân tích và tìm giải pháp giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển. Các chính sách đưa ra cần chính xác, hướng về doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất, xác định hỗ trợ khởi nghiệp mà mục đích cốt lõi, mục tiêu cao nhất là hoạt động đổi mới, sáng tạo trong danh nghiệp...”, bà Caitlin Wiesen đề xuất.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cao cấp Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, có một số quan điểm phát triển kinh tế-xã hội, gồm: phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi  số.

Từ đó, phải đổi mới tư duy va hành động, chủ động nắm bắt thời cơ, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn với hội nhập quốc tế để nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tương chính sách, người có công, người nghèo...

Một số quan điểm khác cũng được đưa ra tại hội thảo như: lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ đồng bộ, hiện đại và hội nhập và thực thi pháp luật hiệu quả. Đó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Bên cạnh đó, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, huy động và sử dụng tốt nguồn lực chất xám, coi con người là trung tâm và cũng là mục tiêu phục vụ của cả giai đoạn phát triển 2021-2030...

Vấn đề quan trọng được đặt ra là làm sao xây dựng được thể chế kinh tế phù hợp, hiện đại để tăng trưởng nhanh; tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến đồng thời phát triển nhanh hoạt động kinh tế số, không chế nợ công và tập trung nâng cao năng suất lao động; đầu tư thảo đang cho phát triển con người. Tất cả nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, rút ngắn thời gian hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa đất nước.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục