Tham vấn tổ chức, chuyên gia nước ngoài về phát triển nuôi trồng thủy sản

19:15' - 10/10/2024
BNEWS Hội nghị nhằm lấy ý kiến tham vấn để triển khai dự án phát triển bền vững ngành thủy sản ở 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là các dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

Ngày 10/10, tại Trà Vinh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Tổ chức Agriterra (Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan), UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham vấn từ các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản để triển khai dự án phát triển bền vững ngành thủy sản ở 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là các dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

 

Cụ thể, tại 4 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu, Tổ chức Agriterra triển khai 2 dự án gồm: Dự án đề xuất phát triển bền vững ngành thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tôm, cá tra và nghêu) giai đoạn 2026-2030 và Dự án ‘‘Nâng cao tính chuyên nghiệp cho các Hợp tác xã thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2024-2026’’.

Dự án hỗ trợ nâng cao tính chuyên nghiệp cho các hợp tác xã thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các hoạt động chính như: khảo sát nhanh và đánh giá chuyên sâu hợp tác xã; xây dựng mô hình kinh doanh do nông dân làm chủ; phát triển các dịch vụ bền vững cho hợp tác xã; tập huấn áp dụng biện pháp sản xuất thông minh với khí hậu; tăng cường sự lãnh đạo và tham gia của phụ nữ và thanh niên trong hợp tác xã; đối thoại chính sách phát triển hợp tác xã. Thông qua dự án, các hợp tác xã sẽ được nâng cao năng lực tiếp cận nguồn lực tài chính và cải thiện họat động thực hành bền vững trong sản xuất và tiếp cận thị trường có giá trị gia tăng cao.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Trưởng Đại diện Tổ chức Agriterra cho biết, ngành nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với sản lượng chiếm khoảng 70% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề này đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tác động biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh, môi trường ô nhiễm, thị trường xuất khẩu bị canh tranh…

Trong đó, nông dân và các hợp tác xã quy mô nhỏ lẻ, manh mún còn bị hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản trị, công nghệ sản xuất lạc hậu, khó tiếp cận được nguồn vật tư đầu vào chất lượng, khó khăn trong tìm thị trường đầu ra… Trước các áp lực này, việc hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã thủy sản chuyển đổi sang phương pháp phát triển bền vững rất cần thiết.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã ở 4 tỉnh đã phản ánh thực trạng nghề nuôi trồng thủy sản, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp về chính sách, liên kết hợp tác, sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tiêu chuẩn quốc tế hiện nay cũng như dịch vụ đào tạo cần thiết… để nâng cao chuỗi giá trị thủy sản tiến tới phát triển bền vững.

Theo ông Vương Hoài Quân - đại diện Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS - Tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Hội Thủy sản Việt Nam), hiện nay các thị trường ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản luôn đòi hỏi sản phẩm được chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; trong đó, các chứng chỉ như ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) và MSC (Hội đồng quản lý biển) buộc phải có để được tiếp cận các thị trường có giá trị cao. Do đó, nông dân sản xuất quy mô nhỏ phải đối mặt với những rào cản trong việc áp dụng các chứng nhận này do chi phí cao, thiếu khả năng tiếp cận công nghệ và nguồn lực.

Vì vậy, ICAFIS khuyến nghị nên phát triển các mô hình sản xuất khép kín, tích hợp, có thể kiểm soát đầu vào và đầu ra, giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh và đầu vào kém chất lượng. Đồng thời cần có sự tham gia, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để giám sát, thực thi các liên kết theo chuỗi giá trị đúng pháp lý. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho hợp tác xã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Châu Văn Hòa cho biết, địa phương hiện có 123 hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, nhiều hợp tác xã hoạt động chưa thật sự hiệu quả nên chưa xây dựng được niềm tin vững chắc cho thành viên. Vì vậy, Tổ chức Agriterra triển khai dự án giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn tỉnh là cơ hội để các hợp tác xã thủy sản cải thiện năng lực quản lý điều hành; xây dựng thành công mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Ông Đặng Xuân Thảo - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nghêu Phương Đông (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) thành lập năm 2008 chia sẻ, đơn vị hiện có 241 thành viên sản xuất trên tổng diện tích hơn 211 ha, vốn điều lệ gần 3 tỷ đồng. Những năm gần đây, việc nuôi nghêu tại hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: môi trường nước thay đổi liên tục về  độ mặn, nhiệt độ khiến năng suất giảm; năng lực quản lý, vận hành hợp tác xã hạn chế; thị trường đầu ra bấp bênh khiến nghề nuôi nghêu thường xuyên gặp rủi ro...

Do đó, ông Thảo đề xuất Tổ chức Agriterra hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, quản lý tài chính, hỗ trợ hợp tác xã vận hành, xây dựng phương án kinh doanh hàng năm; tư vấn biện pháp và xây dựng kế hoạch nuôi nghêu thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực sản xuất cho thành viên hợp tác xã...

Ông Phạm Văn Mừng - Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng (tỉnh Sóc Trăng) cũng bày tỏ mong muốn được Dự án hỗ trợ  ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo cho hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng thương hiệu tôm có chứng nhận sẽ giúp nâng cao giá trị tôm nuôi cho hợp tác xã, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tin tưởng, các giải pháp đổi mới, quan hệ đối tác chiến lược và liên kết hợp tác tập thể, hợp tác công tư, tận dụng các hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, tiến bộ khoa học công nghệ… sẽ giúp các hợp tác xã thủy sản nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng và năng lực hoạt động; thúc đẩy ngành thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục