Tháng 4 số vốn đăng ký giải ngân các dự án giao thông dự kiến giảm

16:39' - 04/04/2023
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải cho hay, theo kế hoạch các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đăng ký, tháng 4 này ước giải ngân chỉ khoảng 5.661 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình các tháng đề ra.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, để giải ngân hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải trên 94.000 tỷ đồng, mỗi tháng, Bộ Giao thông Vận tải phải giải ngân trung bình khoảng 7.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kế hoạch các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đăng ký, tháng 4 này ước giải ngân chỉ khoảng 5.661 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình các tháng đề ra.

Lý giải điều này, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, kế hoạch giải ngân tháng 4 thấp do các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đã hoàn thành việc tạm ứng hợp đồng, chỉ tập trung cho công tác chuẩn bị, thi công nền đường có giá trị thanh toán không cao.

Cụ thể, trong tháng 4/2023, các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải đăng ký kế hoạch giải ngân lớn gồm Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Ông Đỗ Sỹ Trọng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban Quản lý dự án 2) thông tin, tháng 4, Ban Quản lý dự án 2 đăng ký giải ngân 941 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn khoảng 219 tỷ đồng và cao tốc Quảng Ngãi– Hoài Nhơn trên 508 tỷ đồng, số giải ngân còn lại vào các dự án ODA như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19, Dự án kết nối các quốc lộ khu vực phía Bắc.

 

Cũng theo ông Đỗ Sỹ Trọng, lũy kế đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án 2 đã giải ngân được khoảng 2.067 tỷ đồng trong tổng số 11.039 tỷ đồng được giao đạt xấp xỉ 19%.

Còn theo ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Ban Quản lý dự án Thăng Long), trong tháng này, đơn vị đăng ký giải ngân số tiền là 891 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hai dự án thành phần cao tốc giai đoạn 1 sẽ thông xe vào 30/4 tới là Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây. Sau 3 ngày đầu của tháng 4, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã giải ngân được 192 tỷ đồng kế hoạch giải ngân tháng, đạt trên 20%.

Cũng theo ông Phùng Tuấn Sơn, lũy kế giải ngân của Ban đến thời điểm này đã đạt 1.502 tỷ đồng trên tổng số kế hoạch được giao năm 2023 là 9.133 tỷ đồng đạt 16,4%.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, trong thời gian tới, bên cạnh các dự án cao tốc Bắc -  Nam giai đoạn 1, Ban sẽ tăng cường hơn nữa trong việc giải ngân 2 dự án thành phần giai đoạn 2 là Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi -Vũng Áng đảm bảo giải ngân hết số vốn theo kế hoạch được giao.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin số giải ngân đăng ký tháng 4 của 2 đơn vị lần lượt là 886 tỷ đồng và 814 tỷ đồng. Trong đó, Ban Quản lý dự án 7 tập trung chủ yếu cho dự án cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết; trong khi đó Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng tập trung cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Một đơn vị có số vốn giải ngân đăng ký thấp hơn các đơn vị trên là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Xuân, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp đơn vị này cho hay, tháng 4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đăng ký giải ngân khoảng 419 tỷ đồng, tập trung cho các dự án cao tốc là Vạn Ninh – Cam Lộ và cao tốc Nha Trang – Cam Lâm.

Như vậy so với tháng 3/2023, số đăng ký, giải ngân của tháng 4 chỉ bằng 30%. Lý giải điều này, ông Trần Văn Xuân cho hay, trong tháng 3, đơn vị đã giải ngân được 1.136 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã đạt tỷ lệ trên 18%. Sở dĩ tháng 3, đơn vị có số giải ngân cao chủ yếu tập trung vào trả nợ cho dự án BT (xây dựng – chuyển giao) Cam Lộ - La Sơn và tạm ứng hợp đồng cao tốc Van Ninh – Cam Lộ.

Với số vốn đăng ký giải ngân tháng 4 chỉ ở mức thấp so với trung bình tháng, do đó để đảm bảo tiến độ giải ngân của cả năm, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án thành phần cao tốc giai đoạn 2 để phục vụ thi công, đặc biệt tại các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp...

“Các chủ đầu tư cũng cần phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác. Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ và dự phòng trường hợp giá vật liệu tăng cao, cần chỉ đạo các nhà thầu chủ động mua và tập kết vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không xảy ra hiện tượng thiếu vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.

Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) khuyến cáo, tổng số vốn đã bố trí cho các dự án trong năm 2023 là rất lớn khoảng 45.226 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2023, tỷ lệ giải ngân dự án mới được hơn 7.590 tỷ đồng, đạt khoảng gần 17%.

Do vậy, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị các chủ đầu tư/Ban quản lý dự a ns cần chỉ đạo nhà thầu thi công huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, làm tăng ca, bố trí nhiều mũi thi công, tập trung vào các hạng mục có giá trị lớn để hoàn thành mục tiêu giải ngân hết số vốn được giao.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tính đến ngày 31/3/2023, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 94.000 tỷ đồng được giao, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%).

Như vậy, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ Giao thông Vận tải cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, xét theo nhóm dự án, giá trị giải ngân quý I/2023 tập trung ở các dự án cao tốc Bắc-Nam với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông Vận tải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục