Tháng 9, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước giảm hơn 23%

15:07' - 01/10/2020
BNEWS Trong 9 tháng/2020, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428 nghìn tỷ đồng, giảm 3,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong tháng 9/2020, cả nước có 10,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83 nghìn lao động, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 đạt 19,7 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước và tăng 65,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777,9 nghìn lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, nếu tính cả 2.173 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 29,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.601 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 34,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,5% so với 9 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 9 tháng năm nay có 1.949 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 29,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,8%; 67,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8,1%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, bên cạnh ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 4.241 doanh nghiệp, tăng 269,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 32,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 12,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo 12,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 4,5%; kinh doanh bất động sản 4.841 doanh nghiệp, giảm 19,2%; vận tải, kho bãi 4.033 doanh nghiệp, giảm 5,3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 3.830 doanh nghiệp, giảm 21,5%...

Trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%, trong đó có 10,7 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 1,4%; 192 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 15,7%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 4,7 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.333 doanh nghiệp; xây dựng có 1.008 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 696 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 650 doanh nghiệp… Cũng trong 9 tháng, trên cả nước còn có 36,5 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Để khắc phục những khó khăn cho doanh nghiệp thời gian tới, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.

“Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay… hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.”, ông Thúy nhấn mạnh.

Song song với đó, Tổng cục Thống kê kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất…/.

>>> Dự án bị “ngâm" nên ứ vốn đầu tư công

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục