Thặng dư thương mại của Australia giảm mạnh trong tháng 1/2017

06:09' - 04/03/2017
BNEWS Thặng dư thương mại của Australia trong tháng 1/2017 đạt 1,3 tỷ AUD, giảm đáng kể so với con số kỷ lục đã đạt được của tháng cuối năm 2016.
Thặng dư thương mại của Australia giảm mạnh trong tháng 1/2017. Ảnh: EPA

Thặng dư thương mại của Australia trong tháng 1/2017 thu hẹp đáng kể đã làm tiêu tan hy vọng về triển vọng sáng của nền kinh tế chỉ một ngày sau khi Chính phủ công bố số liệu GDP quý IV/2016 cho thấy nền kinh tế đã tránh được tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật.

Theo số liệu được Cục Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 2/3 trong tháng 1/2017 Australia đạt thặng dư thương mại 1,3 tỷ AUD (995,8 tỷ USD). Thông thường, đó sẽ là một kết quả tuyệt vời vì trong vài thập kỷ qua, Australia chi tiêu nhiều hơn so với số tiền kiếm được.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong tháng 12/2016 quốc gia này đã ghi nhận mức thặng dư thương mại kỷ lục 3,5 tỷ AUD nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá hàng hóa và sự gia tăng khối lượng các nguồn tài nguyên xuất khẩu.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán kết quả này sẽ còn lặp lại với mức thặng dư 3,8 tỷ AUD cho tháng 1/2017, trong khi một nhà phân tích lạc quan hơn đưa ra con số thặng dư thương mại lên tới 5 tỷ AUD. Song với kết quả vừa được công bố, họ đã vô cùng thất vọng.

Theo nhà kinh tế Andrew Hanlan của ngân hàng Westpac, đây là một cảnh báo sớm rằng xuất khẩu ròng có thể không tiếp tục đóng góp thêm nhiều vào tăng trưởng GDP trong quý I/2017 sau mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ quý IV năm ngoái.

Paul Dales, nhà kinh tế trưởng từ Capital Economics, cho rằng số liệu trên báo hiệu tăng trưởng kinh tế Australia có khả năng suy giảm đáng kể trong quý I này. Ông nhấn mạnh, khi nhu cầu tiêu thụ hàng nhập khẩu tăng cho thấy giá hàng hóa phục hồi đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa, song điều đó vẫn chưa đủ để làm thay đổi triển vọng về nền kinh tế "Xứ sở chuột túi".

Trước đó, ngày 1/3, ABS công bố số liệu cho thấy kinh tế Australia tăng 1,1% trong quý IV/2016 tăng 1,1%, tránh cho nước này rơi vào tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật (nếu có 2 quý liên tiếp GDP giảm) do quý trước đã giảm 0,5%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục