Thanh Hóa: Bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng đột biến

15:07' - 09/10/2020
BNEWS Tính từ đầu tháng 9/2020 đến ngày 9/10, Bệnh viện Da Liễu Thanh Hóa đã tiếp nhận hơn 500 lượt bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện khám và điều trị cho hơn 200 lượt bệnh nhân. Trong khi đó, 8 tháng năm 2020, chỉ có vài chục lượt bệnh nhân đến khám do tiếp xúc kiến ba khoang.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa sáng 9/10, có rất đông người dân đến khám, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến kiến ba khoang với các triệu chứng như ngứa, phồng rộp, nổi mụn nước, mụn mủ, lở loét nhiều vùng da trên cơ thể gây đau, rát.

Đa số các bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám khi các tổn thương lan rộng, chảy nước, đau nhức… sau khi đã tự điều trị mà không đỡ. Nhiều trường hợp còn nhầm lẫn với zona thần kinh, sử dụng các loại lá cây, hạt đậu xanh… để đắp lên vết thương, dẫn đến tổn thương tăng nặng hơn và lan ra các vị trí khác.

Là một trong những bệnh nhân nặng bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn) không biết mình đã tiếp xúc với kiến ba khoang.

Khi có những dấu hiệu ngứa, nổi vết mẩn đỏ, tổn thương da chị Hạnh ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc về bôi, uống. Từ vài nốt nhỏ gần bắp tay, chỉ 2-3 ngày sau, tổn thương lan rộng ra khắp cánh tay và các vị trí khác như cổ, vai, 2 bên bắp chân.

Chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Thấy uống thuốc và bôi không đỡ mà vết thương ngày càng lan rộng, bỏng rát, tôi đến khám tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa và được các bác sỹ chẩn đoán là bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Tôi điều trị tại đây 4 ngày nay, các vết thương đã đóng vẩy, không còn đau rát như mấy hôm trước."

Bác sỹ Phan Thị Loan, Trưởng khoa điều trị I, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa cho biết: "Những bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang phải nằm điều trị tại khoa đều là những bệnh nhân nặng, thường đến viện sau 3-4 ngày tự điều trị không đúng cách. Nhiều bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang nhưng nhầm lẫn với bệnh zona thần kinh.

Nhiều trường hợp nhập viện bị viêm da nặng, tổn thương lan nhanh, bệnh nhân nóng rát, xuất hiện mụn mủ màu vàng, trên nền da sưng vù, tấy đỏ, gây khó chịu cho người bệnh.

Những trường hợp này chúng tôi đã điều trị kháng sinh kết hợp với rửa vết thương, ngâm tắm thuốc tím 1/10.000, bôi thuốc, uống thuốc và phải mất từ 5-7 ngày tình trạng bệnh mới ổn định."

Theo các bác sỹ Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, kiến ba khoang xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa Pederin - độc gây bỏng.

Việc điều trị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang không khó nhưng nếu điều trị không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát, lở loét, để lại vết thâm và sẹo xấu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho người bệnh.

Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo trong trường hợp tiếp xúc hoặc nghi ngờ đã tiếp xúc với kiến ba khoang, người dân không nên tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử lý thích hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục