Thanh Hóa cấp mã số vùng trồng để hướng tới xuất khẩu

21:03' - 11/02/2024
BNEWS Thanh Hóa xây dựng mã số vùng trồng để chuẩn hóa quy trình chăm sóc, quản lý cây trồng, giúp cây trồng cho năng suất cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất.
Xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân như chuẩn hoá qui trình chăm sóc, quản lý cây trồng, giúp cây trồng cho năng suất cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nhờ được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Tại nhiều địa phương, mặc dù vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong cấp mã số vùng trồng, tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

 
Nếu 5 năm trước, thị trường châu Âu và Trung Đông được xác định là thị trường tiềm năng, thì đến nay, các sản phẩm dứa đóng hộp, dưa chuột bao tử của Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành đã xuất khẩu sang 16 nước châu Âu và Canada. Để xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất, công ty đã liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để đảm bảo chất lượng đầu vào, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành, huyện Nông Cống, đây là đơn vị đã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm ngô ngọt đóng hộp, dứa đóng hộp được xuất khẩu đi thị trường Nga, EU, Hàn Quốc. Đơn vị này luôn nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động tìm hiểu, đổi mới các quy trình sản xuất, xử lý, hấp, sấy để sản phẩm giữ được chất lượng phù hợp với môi trường để xuất khẩu bán ra nước ngoài.

Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành cho biết, đơn vị đang tạo việc làm cho khoảng 40 lao động địa phương. Khi đã có mã vạch vùng, hàng hóa của đơn vị được đưa ra nước ngoài tự tin hơn. Điển hình như một cái gia vị nhỏ nhất như củ tỏi trong lọ dưa cũng phải lấy tỏi của Việt Nam sản xuất và phải có vùng trồng.

Hiện nay, việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tại Thanh Hoá, đến nay tỉnh này cấp gần 160 mã số vùng trồng; trong đó, có 77 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng có mã số, được các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi chặt quá trình sản xuất để có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định cho hay, 2 năm vừa qua, huyện Yên Định đã cấp được 39 mã số vùng trồng, chủ yếu là cây ớt. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì mã số vùng trồng và tập huấn canh tác trên diện tích này, qua đó giúp nông dân có thêm kiến thức, kĩ năng trong phát triển nông nghiệp, đồng thời có thể xuất bán hàng hóa một cách ổn định, lâu dài, góp phần tăng thêm thu nhập cho người làm ngành nông nghiệp.

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hoá khẳng định, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn tổ chức, cá nhân ý nghĩa việc thiết lập mã số vùng trồng. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, rà soát đánh giá lại những sản phẩm có tiềm năng lợi thế hàng hoá tập trung, tháo gỡ thúc đẩy liên kết thành chuỗi và được cấp mã số vùng trồng.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục đẩy mạnh cấp mới thêm 69 mã số vùng trồng; trong đó, chú trọng yêu cầu về quản lý sinh vật gây hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đảm bảo yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục