Thanh Hóa còn gần 500 trụ sở, nhà đất dôi dư bỏ hoang gây lãng phí

18:38' - 01/02/2025
BNEWS Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều công sở, nhà đất công dôi dư.

Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều công sở, nhà đất công dôi dư; trong đó, chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn. Dù UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều lần chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết tình trạng công sở, nhà đất dôi dư, nhưng cho đến nay việc xử lý tài sản công chậm trễ, hiện vẫn còn gần 500 trụ sở, nhà đất dôi dư còn lại đang bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai và cơ sở hạ tầng.

 

Dọc tuyến Quốc lộ 1A, đoạn đi qua thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, hiện đang có hàng loạt các trụ sở bỏ hoang của huyện gồm Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, đài truyền thanh và trạm khuyến nông. Các đơn vị này đều đã được sắp xếp chuyển đến trụ sở mới đã nhiều năm qua, bỏ mặc các trụ sở cũ để không, các trụ sở này đang ngày một xuống cấp, nhếch nhác và gây lãng phí.

Ông Đoàn Đình Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương cho biết, do các tài sản công nằm trên địa bàn không còn được sử dụng nên địa phương luôn phải thực hiện việc bảo vệ, tuy nhiên nguồn lực để bảo vệ tài sản công còn nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, tài chính hạn hẹp. Có những lúc UBND thị trấn phải xử lý, vệ sinh môi trường vì các tài sản công không có người ở, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Theo UBND huyện Quảng Xương, trên địa bàn hiện có 18 trụ sở dôi dư, đến nay việc xử lý tài sản công vẫn rất chậm. Việc này dẫn đến nhiều trụ sở đang bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Quảng Xương cho biết, hiện nay việc xử lý tài sản công phải qua nhiều bước xử lý về Luật Đất đai. Trong khi nghị định về quản lý, sử dụng tài sản công đang thay đổi nên UBND huyện đang phải đợi các văn bản hướng dẫn của các ngành để tiếp tục thực hiện sắp xếp tài sản công dôi dư sau sáp nhập.

Còn tại huyện miền núi Bá Thước, trong năm 2024, tổng số công sở dôi dư trên địa bàn huyện là 150 cơ sở; trong đó có 92 cơ sở điều chuyển công năng sử dụng và chuyển giao, 51 cơ sở được đem bán đấu giá và thu hồi 7 cơ sở. Đối với 51 cơ sở được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất, UBND huyện đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp trên phê duyệt phương án xử lý.

Hiện nay, địa phương này đang gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lại tài sản dôi dư sau sáp nhập do chưa có hướng dẫn theo từng loại phướng án xử lý, sắp xếp nhà đất về thành phần hồ sơ, thủ tục thực hiện. Bên cạnh đó, do khi ban hành phương án sắp xếp, xử lý nhà đất phải phù hợp về quy hoạch với quy hoạch sử dụng đất, nhưng việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm sau là rất chậm, ảnh hương tới việc điểu chỉnh, bổ xung phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trong năm.

Các quy định liên quan đến quản lý tài sản, sắp xếp lại, xử lý nhà đất phức tạp, trong khi số lượng cán bộ phục trách việc quản lý tài sản tại cấp huyện, xã ít nên chưa có đủ thời gian nghiên cứu văn bản hướng dẫn, nắm chắc về quy định hồ sơ, thủ tục

Bà Hà Thanh Nhàn, Phó trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Bá Thước cho biết, trên địa bàn huyện đang còn một số cơ sở nhà đất dôi dư. UBND huyện sẽ đề nghị Sở Tài chính sớm tham mưu cho tỉnh, xây dựng hệ thống hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục cho các đơn vị thực hiện theo từng loại phương án. Đặc biệt, là hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đối với các cơ sở đã được phê duyện phương án bán, đề xuất bàn giao cho tổ chức phát triển quý đất cấp tỉnh quản lý, khai thác. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cần sớm được phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà đất.

Theo thống kê, kể từ thời điểm năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.200 cơ sở nhà đất dôi dư, nhưng đến nay đã sắp xếp xử lý được nhiều cơ sở, còn lại gần 500 cơ sở. Hiện một số địa phương gửi báo cáo về Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh sang bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hình thức thu hồi để thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, tiến độ xử lý tài sản công dôi dư chậm do vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong xử lý nhà, đất dôi dư để xảy ra tình trạng thiếu hồ sơ nhà, đất; chậm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cho việc xử lý nhà, đất dôi dư chưa thể thực hiện do không phù hợp quy hoạch.

Ngoài ra, các nghị định, thông tư có liên quan và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp bộ chuyên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) còn chưa thống nhất, còn nhiều bất cập, quy định chưa cụ thể, rõ ràng.

Theo ông Trương Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá, Sở Tài chính đang kiểm tra, rà soát đánh giá lại tài sản công trên địa bàn tỉnh để có phương án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn và tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa về phương án sắp xếp. Thời gian tới, Sở Tài chính kiến nghị với Trung ương sớm ban hành Luật Quản lý sử dụng tài sản công để có những văn bản hướng dẫn dưới Luật để tháo gỡ cho các địa phương.

Từ năm 2024 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt điều chuyển 6 cơ sở nhà, đất; chuyển giao 4 cơ sở nhà, đất của các đơn vị y tế về huyện quản lý, và giữ lại tiếp tục sử dụng 98 tài sản công và điều chỉnh phương án sắp xếp 4 trụ sở. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn khi Thanh Hoá vẫn còn hàng trăm công sở, nhà đất dôi dư đang bỏ hoang, lãng phí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục